Thảo xây dựng trang trại chăn nuôi và trồng trọt theo tiêu chuẩn hữu cơ, không gây ô nhiễm môi trường

Chào đón PNVN trong khu vườn xanh mát bóng cây, chị Nguyễn Phương Thảo, đại diện Nguyên Khôi Xanh tự hào giới thiệu những sản phẩm ‘cây nhà lá vườn’ thu hoạch được từ trang trại. Đó là thịt lợn trắng, lợn rừng, gà vịt và sản phẩm từ trồng trọt như trà hoa… Với những người làm nông nghiệp, đây là những sản phẩm đã quá quen thuộc nhưng với Thảo và những người sáng lập trang trại, để những nông sản này có chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận, là cả một chặng đường dài.

Ươm ước mơ từ mảnh vườn của bà, của mẹ

Với những người vốn quen với cuộc sống nơi thành thị, quay trở về trồng cây, nuôi lợn, thậm chí có những lúc phải đi “bốc phân” heo, là một cực hình nhưng với Thảo và cộng sự, đó là niềm hạnh phúc. Hình ảnh mảnh vườn quê do ông bà, bố mẹ tự chăn nuôi trồng trọt để tự đáp ứng phần nào nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn của gia đình luôn hiện lên ấm áp và thân thuộc.

Nhưng được đào tạo bài bản trong lĩnh vực Khoa học Môi trường tại trường Đại học hàng đầu Anh Quốc, và đi sâu nghiên cứu, Thảo biết, cách chăn nuôi truyền thống những tưởng tạo ra thực phẩm an toàn, nhưng thực ra lại là không an toàn. Mô hình chăn nuôi nhỏ hay lớn đều là một nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong khi sức khỏe của con người lại bị ảnh hưởng ngày một cao bởi tình trạng thực phẩm không an toàn tràn lan.

Mong muốn xây dựng một mô hình có tính định hướng trong quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ để mang lại một nguồn thực phẩm sạch và quy trình chăn nuôi thân thiện môi trường là động lực để cô gái 8x và những người đồng sáng lập Nguyên Khôi Xanh nghiên cứu, xây dựng trang trại chăn nuôi và trồng trọt theo tiêu chuẩn hữu cơ, không gây ô nhiễm môi trường.

Mở đường cho mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn

Trang trại được bắt đầu xây dựng vào đầu năm 2017 tại huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, với các hoạt động chăn nuôi, chế biến, bảo quản chặt chẽ theo tôn chỉ: vật nuôi được sống trong môi trường sạch sẽ, rộng rãi, gần gũi với thiên nhiên, hạn chế tác động của hóa chất, hòa hợp với tự nhiên, theo một vòng tuần hoàn, khép kín.

Khác với những mô hình chăn nuôi hiện có tại Việt Nam, là mô hình chăn nuôi tuyến tính, chỉ phát triển theo một chiều, mô hình của Nguyên Khôi Xanh được nghiên cứu rất kĩ lưỡng những kĩ thuật trong việc xử lí chất thải, hướng tới mô hình chăn nuôi xử lý triệt để chất thải. Đặc biệt, biến chất thải của quy trình này trở thành đầu vào của quy trình khác, Phương Thảo cho biết.

Nguyên Khôi Xanh xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn, biến chất thải của quy trình này trở thành đầu vào của quy trình khác

Cụ thể như chất thải rắn của lợn được xử lí qua men vi sinh, trở thành thức ăn cho giun quế. Sau đó, đạm giun lại trở thành đạm cho vật nuôi, phân giun trở thành phân bón hữu cơ cho các cây trồng trong trang trại. Phần nước thải sau biogas không xả thẳng ra môi trường mà có hệ thống bể lọc ngập nước kiến tạo, bao gồm các vật liệu lọc và cây thủy sinh để tiếp tục phân giải các chất dư thừa là Nitơ và Phốt pho. Nước thải sau bãi lọc được tận dụng để tưới cây và đưa ra đầm sen nhằm tạo năng suất cũng như để đạt hiệu quả kinh tế…

Trong mô hình, thức ăn được làm chín bằng men vi sinh thay vì nấu chín bằng nhiệt phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than, điện lưới. Các phế thải của quá trình trồng trọt ngoài mô hình như: rơm rạ, cỏ dại, bèo,… được xử lý để làm thức ăn cho giun quế và phân bón hữu cơ. Với cách làm này, mô hình đã giúp giảm được 9,96t CO2 mỗi năm so với trang trại chăn nuôi thông thường với quy mô 300 con/năm. Đây cũng là điểm khác biệt đã giúp Nguyên Khôi Xanh giành giải thưởng tại Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” 2019 và nhận được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới.

Hiện nay, một số sản phẩm như thịt lợn trắng, lợn rừng, gà vịt và sản phẩm từ trồng trọt như trà hoa…đã được bán ra thị trường

Không ngại cạnh tranh, muốn nhân rộng mô hình trang trại tuần hoàn

Sau hai năm triển khai thí điểm, mô hình trang trại đã cung cấp ra thị trường các sản phẩm an toàn như thịt tươi sản xuất theo công nghệ thịt mát, thực phẩm chế biến sẵn từ thịt lợn sử dụng gia vị tự nhiên từ động thực vật, tuyệt đối không dùng phụ gia công nghiệp, các sản phẩm trà hoa… Trong tất cả các quy trình, sức khỏe con người và sức khỏe môi trường luôn được ưu tiên hàng đầu. Ngoài sản phẩm đạt chất lượng, các loại bao bì đóng gói cũng là những loại thân thiện với môi trường...

Không dừng lại ở đó, những người sáng lập trang trại còn đang hướng đến vận động và tập huấn, chuyển giao công nghệ cho các trang trại xung quanh thực hành theo “Mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn ứng phó với biến đổi khí hậu”  để hình thành vùng nuôi trồng có môi trường sạch, chất lượng nông sản đạt tiêu chuẩn và đáp ứng được nhu cầu sử dụng các sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng của người tiêu dùng.

Phương Thảo kể vui: Khi nghe chia sẻ về ý định nhân rộng mô hình trang trại của Nguyên Khôi Xanh, không ít bạn bè, người quen ngăn cản, vì lo mình sẽ phải cạnh tranh với những trang trại khác, nhưng mình không ngại sự cạnh tranh, vì có chuyển giao, nhân rộng mô hình, mới có thể phát triển được cộng đồng chăn nuôi bền vững, hướng tới nền nông nghiệp xanh đồng bộ, bài bản, cùng quay về với mẹ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, góp phần tăng cường cân bằng hệ sinh thái đất.

Bí quyết thành công của Phương Thảo:
- Dù làm gì cũng phải bắt đầu từ cái tâm của mình.
- Trong tất cả các hoạt động ngoài mô hình, luôn đặt sức khỏe con người và sức khỏe môi trường là ưu tiên hàng đầu.
- Luôn tin tưởng vào con đường mình đã chọn.
- Tôn trọng và phát huy sức mạnh đội ngũ nhân sự mình đã chọn.

Theo phunuvietnam