Những nạn nhân tấn công tình dục lần đầu lên tiếng
Mới đây, 4 hoa hậu đến từ Phần Lan, Belize, Haiti và Anh có cuộc trò chuyện với đương kim Hoa hậu Hoàn vũ Zozibini Tunzi về bạo lực giới. 3 trong số 4 cô gái lần đầu chia sẻ từng bị tấn công tình dục.
Viivi Antonen, đại diện Phần Lan từng bị tấn công tình dục năm 19 tuổi khi đến Mozambique làm việc. Cô phải chịu đựng nỗi đau này một thời gian dài, không dám kể với bất kỳ ai. “Với tôi, đó là một quá khứ quá đau thương”, cô nhớ lại.
Iris Sanguero đến từ Belize cũng bị tấn công tình dục năm 17 tuổi. Một người đàn ông kéo cô vào nơi tối tăm và thực hiện hành vi đồi bại. Người này còn gieo vào đầu cô suy nghĩ: sẽ không ai yêu thương hay muốn cưới cô sau sự việc tồi tệ này.
|
4 thí sinh trò chuyện với Hoa hậu Hoàn vũ 2019 Zozibini Tunzi (tóc ngắn) về vấn đề bạo lực giới |
Những cuộc tấn công tình dục không chỉ đến từ những kẻ lạ mặt, mà còn từ những người thân cận, thậm chí lẽ ra cho họ cảm giác được bảo vệ, an toàn.
Eden Berandoive (đại diện Haiti) từng bị tấn công tình dục 2 lần. Lần đầu năm 15 tuổi, bởi giáo viên của cô. “Tôi được mang đến bệnh viện sau vụ việc đó. Tôi không thể thở. Ba mẹ tôi nói tôi không thể trở lại trường học được nữa. Thú thật, tôi phải mất một thời gian dài để đấu tranh cho sự sống sau vụ việc này. Ký ức đó thật kinh hoàng”, cô nói trong sự ngập ngừng, xúc động.
Sau đó, người đẹp lại bị tấn công bởi một viên cảnh sát. Cô hay Viivi, Iris đều có chung nỗi niềm. Họ từng xem đó là việc vô cùng xấu hổ. Họ sợ khi chia sẻ, mọi người xung quanh, thậm chí gia đình sẽ không tin, hoặc lấy đó làm chuyện cợt nhả.
|
Eden từng bị tấn công, xâm hại tình dục 2 lần |
Việc chia sẻ câu chuyện của bản thân, họ mong muốn cộng đồng, chính quyền, các tổ chức sẽ phải có nhiều động thái tích cực hơn để giải quyết vấn đề. Viivi cho biết sau khi sự việc xảy ra, chính quyền sở tại cũng không có động thái gì. Cô vẫn đến nơi làm việc như chưa có chuyện gì xảy ra. Cứ như thế, mọi thứ rơi vào quên lãng, để lại nỗi ám ảnh trong lòng cô gái.
Iris xem đây là một cơ hội tốt để thế giới có dịp nhìn lại vấn đề phụ nữ đang phải đối diện: tấn công tình dục, bạo lực giới. “Tôi nhìn những trẻ em gái, và thấy mình trong đó. Khi đó, tôi chẳng có ai để trò chuyện, chia sẻ vấn đề để vượt qua. Và tôi ở đây để có thể giúp họ”, cô nói.
Ung thư, sức khoẻ tinh thần... và nhiều hơn thế nữa
Thuzar Lwin, sau khi có mặt tại cuộc thi, cũng đã bất ngờ khi chia sẻ hình ảnh hai vết sẹo rất lớn trên ngực, di chứng để lại sau nhiều cuộc phẫu thuật khối u năm 19 tuổi, có thể dẫn đến ung thư. Cô từng rất đau khổ vì 2 vết sẹo, nhưng sau này cô nhận ra vết sẹo không làm ảnh hưởng đến giá trị hay sự đóng góp của cô cho cuộc sống.
Vì thế, Thuzar Lwin dừng việc tìm kiếm các phương pháp để xoá sạch sẹo. Mỗi lần nhìn vào chúng, người đẹp thấy mạnh mẽ hơn và luôn muốn phụ nữ phải ý thức về sức khoẻ, ung thư vú. Tại quê nhà, Thuzar Lwin cũng có một chiến dịch để nâng cao nhận thức về căn bệnh này.
|
Bức ảnh Thuzar Wint Lwin chia sẻ trên Instagram cho thấy cận cảnh vết sẹo to trên ngực |
Denise Speelman (đại diện Hà Lan) trong cuộc thảo luận về sức khoẻ tâm thần cho biết cô từng trải qua một khoảng thời gian rất khó khăn khi liên tục nhận về những lời chỉ trích, miệt thị từ cộng đồng mạng. Bởi có thời điểm, cô tăng cân mất kiểm soát do rối loạn ăn uống, nhưng khán giả không hiểu được câu chuyện phía sau.
Chantal Wiertz (đại diện Curacao) là một trong những thí sinh nổi trội của cuộc thi năm nay. Nhưng ít ai biết, cô gái này đã từng có thời gian dài chiến đấu với chứng tự kỷ. Nhưng sau đó, cô nhận ra rằng trong những ngày tồi tệ nhất thì cũng không cần phải vật lộn với bệnh tật, mà cần học cách chấp nhận bản thân để vượt qua mọi thứ.
Chỉ còn 1 ngày nữa chủ nhân ngôi vị Hoa hậu Hoàn vũ 2020 sẽ lộ diện. Người chiến thắng có nằm trong nhóm thí sinh này hay không, vẫn là ẩn số. Nhưng điều họ đã làm được nhiều điều. Tiếng nói của họ đã thực sự có tác động đến cộng đồng từ những điều không hoàn hảo hoặc quá khứ tăm tối muốn lãng quên.
|
Denise Speelman từng bị chỉ trích nặng nề về việc tăng cân, nhưng thực tế do rối loạn trong cơ thể, tâm lý |
Hàng trăm bình luận để lại trong đoạn video bàn luận về chủ đề bạo lực giới, xâm hại tình dục bày tỏ sự đồng cảm, ngưỡng mộ với các cô gái. Họ cho rằng vấn đề nhức nhối này cần có nhiều biện pháp cứng rắn hơn trong tương lai để đẩy lùi.
Sự thay đổi sẽ còn ở tương lai. Nhưng ít nhất tiếng nói trong thì hiện tại cho thấy các người đẹp đã biết tận dụng tiếng nói của mình để góp phần giúp phụ nữ được tốt hơn, rộng hơn là những vấn đề của quốc gia, toàn cầu… Sau sắc đẹp, có lẽ điều thế giới cần lưu tâm chính là câu chuyện của những người phụ nữ từ sân chơi này. Chúng cần được tháo gỡ để phụ nữ có thể phát triển tốt hơn và thế giới nói chung sẽ có nhiều điều tốt đẹp hơn.
Theo phunuonline.com.vn