|
|
Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa và Tổng thống nước Cộng hoà Peru Dina Boluarte. (Ảnh: TTXVN phát) |
Trong các ngày từ 17-21/4/2023, Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa đã có chuyến thăm làm việc tới Peru kết hợp chào từ biệt trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác.
Trong suốt chuyến thăm, Đại sứ Kim Hoa đã tới chào Tổng thống nước Cộng hòa Peru, làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại thương-Du lịch, Cựu Bộ trưởng Giáo dục và Thứ trưởng Bộ Giao thông-Viễn thông.
Tổng thống Dina Boluarte đã tiếp Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa trong không khí thân mật, chân tình. Hai bên đã nêu ra các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trong thời gian tới bao gồm trao đổi đoàn cấp cao, duy trì các cơ chế hợp tác song phương, tăng cường trao đổi thương mại và tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tổng thống Dina Boluarte đánh giá cao quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Peru và khen ngợi những nỗ lực và thành quả của doanh nghiệp Viễn thông Bitel của Việt Nam trong triển khai dịch vụ tại các khu vực nông thôn, vùng biên giới xa xôi của Peru.
Tổng thống Dina Boluarte bày tỏ mong muốn hai nước nghiên cứu một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực viễn thông để hỗ trợ các khu vực vùng sâu vùng xa của Peru, đặc biệt là trẻ em nghèo với điều kiện học tập khó khăn.
Tổng thống Peru cảm ơn Việt Nam đã bỏ phiếu ủng hộ Peru giữ vị trí nước chủ nhà APEC trong năm 2024. Nhân dịp này, Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa cũng đã chuyển lời mời sớm thăm Việt Nam tới Tổng thống Dina Boluarte của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
|
|
Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa làm việc với Bộ Ngoại giao Peru. (Ảnh: TTXVN phát) |
Trong trao đổi với các bộ ngành Peru, Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa khẳng định quan hệ hai nước đã có những bước phát triển đáng ghi nhận trong hợp tác kinh tế-thương mại- đầu tư, đặc biệt còn nhiều tiềm năng hơn nữa khi hai nước chính thức trở thành thành viên đầy đủ của CPTPP.
Kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam-Peru tiếp tục duy trì đà tăng, đạt 600 triệu USD.
Riêng trong trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt 146,8 triệu USD, tăng 2,5% so với năm 2022. Hiện nay, hàng hóa của Việt Nam chủ yếu xuất sang Peru gồm giầy dép, clanke và ximăng, máy tính, đồ điện tử và linh kiện, chất dẻo, sơ sợi dệt may, cao su, hàng thủy sản và sản phẩm nội thất…. Việt Nam nhập khẩu của Peru bột cá, dầu cá, sợi acrylic, nguyên phụ liệu chế biến.
Riêng trong lĩnh vực đầu tư, hiện nay Việt Nam có hai Tập đoàn lớn về năng lượng và truyền thông đang hoạt động tại Peru là Petro Vietnam và Viettel. Viettel chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông tại Peru năm 2014 với thương hiệu Bitel, là nhà mạng có hạ tầng cáp quang lớn nhất tại Peru (30,000km).
Bitel hiện nay có hơn 7,1 triệu thuê bao và được đánh giá là nhà mạng có dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất tại Peru. Trong thời gian qua Bitel đã có nhiều hoạt động đồng hành hợp tác với các cơ quan Chính phủ Peru và được đánh giá cao.
Trong lĩnh vực giáo dục, Bitel cung cấp Internet miễn phí cho 4.743 trường học với hơn 1 triệu học sinh, tặng 450 máy tính bảng, 450 điện thoại thông minh để các em có điều kiện học tập tốt hơn.
Năm 2022, Bitel đã nhận vinh dự được Uỷ ban Giáo dục Quốc hội Peru tặng bằng khen về những nỗ lực cho sự nghiệp của ngành trong suốt 8 năm qua.
Về lĩnh vực y tế, Bitel cung cấp miễn phí dịch vụ internet cho 112 cơ sở y tế và 166 cơ quan chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, hỗ trợ trang thiết bị y tế cho 3 bệnh viện tỉnh tại Peru.
Tại các cuộc gặp, Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa bày tỏ mong muốn tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Peru trên cơ sở hai nước đều tham gia các cơ chế, thể chế hợp tác quốc tế như APEC, CPTPP.
Đồng thời, Đại sứ đề nghị Chính phủ Peru tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ triển khai hiệu quả các dự án đầu tư viễn thông, dầu khí của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN).
Hai bên đã trao đổi nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương Việt Nam-Peru trong thời gian tới như tăng cường trao đổi đoàn các cấp, duy trì thường xuyên và hiệu quả cơ chế hợp tác song phương gồm Ủy ban Liên Chính phủ và tham khảo Chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, đồng thời nhằm mở ra các lĩnh vực hợp tác mới như du lịch, giáo dục, công nghệ.
Về phía Peru, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cũng thể hiện quan tâm tăng cường quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại-đầu tư.
Peru là một trong những quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định so với các nước khác trong khu vực Nam Mỹ nói riêng và khối các nước Mỹ Latinh và vùng Caribe nói chung. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý của Peru khá mở, rất có lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài.
Hiện Peru đang nỗ lực trở thành nền kinh tế toàn cầu hóa với ưu tiên tiếp cận những thị trường lớn trên thế giới thông qua các hiệp định thương mại, ưu tiên kêu gọi đầu tư, hợp tác thương mại trong các lĩnh vực nhiều tiềm năng như nông nghiệp, công nghiệp dệt may, hóa chất, khai khoáng.
Lãnh đạo các bộ, ngành Peru tin tưởng sẽ nhận được sự phối hợp tích cực từ phía các bộ, ngành Việt Nam để cùng cập nhật thông tin thị trường; qua đó tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp cùng khai phá hiệu quả mọi tiềm năng kinh tế của hai nước, phục vụ cho công cuộc phát triển của Việt Nam cũng như Peru, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển./.
Theo vietnamplus