Các chuyến bay nội địa từ thủ đô Kabul tới thành phố Herat, Mazar-i-Sharif và Kandahar đã được nối lại vào ngày 4/9.
Những hãng hàng không như Ariana, Kam Air và Pakistan International Airlines đang nỗ lực hướng tới sự liên kết quốc tế. Việc mở cửa sân bay Kabul vốn là ưu tiên hàng đầu của Taliban khi lực lượng này tìm cách khôi phục trật tự sau ngày giành quyền kiểm soát thủ đô vào giữa tháng 8, theo Reuters.
Qari Rahmatullah Gulzad, người đứng đầu hãng hàng không do Taliban bổ nhiệm, cho biết những khâu chuẩn bị đang được tiến hành để khởi động lại các đường bay, trong đó bao gồm sự sắp xếp dành cho phi hành đoàn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận được lời kêu gọi trở lại làm việc trong không phận thuộc Taliban kiểm soát, NZ Herald đưa tin.
Nhiều tiếp viên nữ của AAA nói rằng họ vẫn chưa nghe bất kỳ thông báo nào từ ban quản lý. Điều này khiến họ lo lắng về kế sinh nhai và các quyền tự do trong quá khứ.
Các hãng hàng không Afghanistan sẽ nối lại chuyến bay nội địa. Ảnh: AP.
|
|
Trong cuộc phỏng vấn với BBC, một cựu tiếp viên hàng không chia sẻ: “Chúng tôi đạt được công việc này không phải dễ dàng nhưng bây giờ, giấc mơ đó đã tan thành mây khói. Cơ hội đi du lịch quốc tế và tiếp xúc với mọi người dường như đã là một ký ức xa vời”.
Một người khác nói thêm khoảng thời gian được kiếm tiền là những ngày hạnh phúc mà họ khó có thể quay lại như thế.
Hiện những nữ tiếp viên này đang sống trong một ngôi nhà trú ẩn tại Kabul và chờ đợi sự cho phép tiếp tục đi làm.
Ngày 21/9, Taliban hoàn thiện bổ nhiệm các vị trí cuối cùng trong nội các nhưng không có quan chức là nữ giới.
Người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid cho hay phụ nữ không được phép làm bộ trưởng hay các vị trí cấp cao theo luật Sharia và kinh Quran. Họ có thể làm việc cho các bộ, cảnh sát và tòa án trong vai trò trợ lý.
Các tiếp viên hàng không nữ tại quốc gia Tây Nam Á đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Ảnh:China Daily. |
|
Hôm 19/8, chính quyền thành phố Kabul đã buộc hầu hết lao động nữ phải nghỉ việc và trở về nhà. Những hạn chế mới của Taliban đối với phụ nữ khiến 1/3 trong số 3000 công chức sẽ bị loại bỏ hoàn toàn.
"Có một số lĩnh vực mà nam giới không thể làm được, chúng tôi phải yêu cầu nhân viên nữ hoàn thành nhiệm vụ đó, không có giải pháp thay thế", Hamdullah Namony, thị trưởng tạm quyền của Kabul, phát biểu.
Việc cắt đứt khả năng làm việc của phụ nữ có thể đẩy hàng nghìn người rơi vào nạn đói vì không có tiền để nuôi sống bản thân và gia đình.
Theo Zing