leftcenterrightdel
 “Hộ chiếu vaccine” là giải pháp đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng để mở cửa nền kinh tế. Ảnh: The Regulatory Review.

Thông tin về tiến độ triển khai "hộ chiếu vaccine", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Bộ Ngoại giao đã đề xuất bộ tiêu chí công nhận và sử dụng hộ chiếu vaccine, trong đó nhấn mạnh đến các yếu tố như loại vaccine.

"Việt Nam chấp nhận các loại vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) hoặc Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và đã trình chính phủ", bà Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của Zing trong buổi họp báo ngày 7/10.

Bà Hằng thông tin thêm lãnh đạo chính phủ cũng đã đồng ý bộ tiêu chí do Bộ Ngoại giao đề xuất và sẽ sớm có thông tin cụ thể về việc này.

Việt Nam có 8 loại vaccine đã được cấp phép sử dụng gồm: AstraZeneca (do AstraZeneca sản xuất), SputnikV (Viện nghiên cứu Gamaleya), Janssen (Johnson & Johnson), Spikevax (Moderna), Comirnaty (Pfizer/BioNTech), Vero Cell (China National Biotec Group (CNBG)/Sinopharm), Hayat - Vax (CNBG) và Abdala (Công ty AICA Laboraries, Base Business Unit AICA - Cuba).

Trong khi đó, 7 loại vaccine phòng Covid-19 được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp gồm Pfizer/BioNTech, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện Huyết thanh Ấn Độ, Johnson & Johnson, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac.

Vaccine được Cục quản lý Thuốc và Dược phẩm Mỹ phê duyệt (CDC khuyến nghị) gồm Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson.

Vaccine được EMA phê duyệt: Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca của Oxford và Johnson & Johnson.

Cũng trong buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và còn lâu dài, không thể khống chế, chính phủ Việt Nam đã thống nhất chuyển chủ trương từ Zero Covid-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả. Điều này có nghĩa vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa khôi phục kinh tế - xã hội.

Trong đó, chiến lược hộ chiếu vaccine, thẻ xanh sức khỏe hay giấy chứng nhận sức khỏe số được xem là giải pháp khả thi nhằm từng bước mở cửa kinh tế, đặc biệt là những ngành liên quan đến dịch vụ và du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng, thí điểm đón khách du lịch đã được tiêm chủng tới Việt Nam, trước mắt là sớm triển khai thí điểm ở Phú Quốc trong thời gian tới.

Trước đó, hôm 26/9, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc công nhận "hộ chiếu vaccine".

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của các quốc gia ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia khác trên thế giới để công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vaccine”.

Hôm 23/9, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) đón chuyến bay thứ 4 và là chuyến bay cuối cùng trong đợt triển khai thí điểm đón khách có “hộ chiếu vaccine” của Bộ Y tế khi vào Việt Nam.

Toàn bộ hành khách trước khi lên máy bay phải đảm bảo sức khỏe tốt, đã tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp rRT-PCR) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh, cũng như thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ đảm bảo an toàn suốt hành trình.

Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, toàn bộ số hành khách được đưa đi cách ly y tế 7 ngày tại cơ sở cách ly của tỉnh Quảng Ninh.

Theo zingnews