Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp hụt hơi với xuất khẩu, không ít công ty phải tìm về thị trường nội địa - ẢNH: NGỌC THẮNG - ĐỒ HỌA: ĐÔNG XUÂN - (NGUỒN: TỔNG CỤC HẢI QUAN VÀ TỔNG CỤC THỐNG KÊ)

Tình hình dịch vẫn kéo dài, thậm chí có tái dịch đợt 2 thì doanh nghiệp cũng chỉ biết “bơi lội” trong các thị trường đã có, chưa thể quay ngoắt 180 độ về thị trường nội địa hay mở thị trường khác

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch VASEP


“Gạo mấy tháng tới không biết bán cho ai”

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đưa ra nhận định khá “u ám” cho xuất khẩu 6 tháng tới. Vì có Covid-19 hay không thì thị trường xuất khẩu gạo cũng chững lại. Lúc cao điểm của đại dịch Covid-19, các nước tăng nhập khẩu gạo để dự trữ, không chỉ mua từ Việt Nam mà còn từ nhiều nước với số lượng rất lớn. Thế nên mới có chuyện giá gạo tăng rất tốt trong thời gian qua, nhưng nay đang giảm sâu. “Gạo là mặt hàng xuống cấp rất nhanh, không thể dự trữ lâu năm được. Trước nguy cơ tái dịch hay không thì xuất khẩu gạo cũng sẽ chững lại, thậm chí chúng tôi còn lo mấy tháng tới không biết bán gạo cho ai nữa. Mới đây, Philippines sau khi tổ chức đấu thầu mua 300.000 tấn nay cũng hủy ngang rồi, trong đó gạo Việt Nam trúng thầu cũng bị hủy. Giá ban đầu Philippines trúng thầu là 495 USD/tấn, nay thị trường xuống 405 USD/tấn, họ tính toán và hủy vì thấy lỗ quá so với giá trúng thầu. Điều đó cho thấy, nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều quốc gia đã chững lại trước “dòng chảy” nhu cầu gạo thế giới đã bình thường trở lại”, ông Nam phân tích.

Cập nhật thông tin mới nhất về thị trường xuất khẩu gạo vào EU theo hạn ngạch 80.000 tấn, ông Đỗ Hà Nam nói thẳng con số này “không là gì cả” so với sản lượng xuất khẩu 7 triệu tấn gạo của Việt Nam mỗi năm. Tuy nhiên, đây là khởi đầu có thể giúp tạo thương hiệu gạo Việt tại thị trường khó tính như EU, làm bàn đẩy để các thị trường khác biết đến gạo Việt Nam nhiều hơn. Nói thêm về con số 80.000 tấn gạo sang EU theo hạn ngạch trong Hiệp định EVFTA từ ngày 1.8 tới, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, lại cho rằng một con số “be bé” như vậy nhưng hết năm nay chưa chắc chúng ta xuất khẩu hết. Lý do, tuy chỉ 80.000 tấn nhưng phân 3 loại: 20.000 tấn gạo xay, 30.000 tấn gạo xát và 30.000 tấn gạo thơm. Ông Bình nói: “EVFTA có hiệu lực từ ngày 1.8, nhưng đến nay các hồ sơ thủ tục doanh nghiệp (DN) chuẩn bị để xuất khẩu hưởng lợi từ EVFTA chưa có. Hạn ngạch gạo cho Việt Nam lại nhiều chủng loại đặc sản, sản lượng và vùng trồng các loại gạo này không lớn. Thời gian chẳng còn bao nhiêu, nhưng nếu chúng ta không đáp ứng được những đòi hỏi của họ, chưa chắc xuất đi suôn sẻ và hết hạn ngạch trong năm nay”.

Tương tự, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định: “DN khó chồng khó. Tình hình dịch vẫn kéo dài, thậm chí có tái dịch đợt 2 thì DN cũng chỉ biết “bơi lội” trong các thị trường đã có, chưa thể quay ngoắt 180 độ về thị trường nội địa hay mở thị trường khác. Hiện tại, tham vọng của nhiều DN là nhìn vào thị trường EU với EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8. Tuy nhiên, trong bối cảnh nếu tái dịch, mọi sự chuẩn bị cũng chỉ là chuẩn bị, nhu cầu tiêu thụ không cao thì bàn vấn đề tăng tốc từ nay đến cuối năm là rất khó”.

Quay về nội địa hay vào siêu thị nước ngoài ?

Ông Phạm Thái Bình tiết lộ tin vui, ngày 29.6 qua, lần đầu tiên công ty đã xuất khẩu thành công 3 container gạo thơm gắn thương hiệu “Trung An Rice” sang Pháp. Trong tương lai gần, công ty tập trung xây dựng thương hiệu, bán gạo đóng bao bì dán nhãn mác của công ty vào siêu thị các nước. Trước mắt là Pháp, sau đó có thể là Ba Lan, Nga. Thị trường Đan Mạch sắp tới cũng sẽ đàm phán để xuất đi do công ty mới mua nhiều máy móc nông nghiệp từ thị trường này. Ông Bình nói: “Ngay trong dịch Covid-19, chúng tôi đàm phán để bán hàng gắn thương hiệu của công ty sang thị trường châu Âu có thể nói là thành công ngoài mong đợi. Đây cũng là một trong những hướng đi mới của DN sau dịch và nếu dịch tái phát, việc bán hàng vào tận siêu thị cũng sẽ tốt hơn chỉ bán thô, phía DN nước ngoài phải tổ chức đóng gói”.

Tuy nhiên, nếu dịch bệnh Covid-19 không chỉ kéo dài mà còn tái phát thì với nhiều DN là quá “đuối sức” cho xuất khẩu, không ít công ty tìm về “trụ đỡ” thị trường nội địa.

Lãnh đạo một DN chuyên xuất khẩu giày thể thao cho biết thêm, việc chuyển đổi thị trường xuất khẩu quay về nội địa không phải nói là làm được ngay vì còn tùy sản phẩm, phân khúc thị trường mà DN hướng đến. “Trước những dự báo phức tạp của tình hình dịch ở hai thị trường lớn nhất là Mỹ và châu Âu, điều DN lo nhất không phải là hàng có vào được hay không mà vấn đề là người dân ở các thị trường đó có tiếp tục duy trì chi tiêu không”, vị này phân tích và thông tin thêm, trước đây cơ cấu tỷ trọng doanh thu của công ty là 70 - 80% xuất khẩu, 20 - 30% từ nội địa. Nay kế hoạch nửa cuối năm đã được điều chỉnh giảm tỷ trọng doanh thu xuất khẩu về 55 - 60%.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, thông tin trong nhiều năm qua xuất khẩu của DN ổn định ở mức 80%, trong đó chủ yếu từ 3 thị trường chính là Mỹ, EU, Nhật. Còn lại 20% là nguồn thu từ trong nước. “Cho nên chúng tôi luôn duy trì hai trụ đều đặn. Mong muốn vẫn là đẩy mạnh thêm trụ trong nước, tuy nhiên do dung lượng thị trường nội địa không lớn chứ không phải chúng tôi ưu ái gì xuất khẩu”, ông Việt nói nhưng cũng tự tin: “May 10 khi quay về thị trường nội là chúng tôi đã có sẵn hệ thống phân phối 200 cửa hàng. Từ năm 2018 công ty cũng có kênh bán hàng online riêng cũng như trên một số sàn thương mại điện tử”.

Sẽ cho khuyến mãi giá trị 100% thay vì 50% trước đây

Chia sẻ với Thanh Niên hôm qua (30.6), ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho hay thống kê của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy tính chung 6 tháng đầu năm, mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 2,38 triệu tỉ đồng, song nếu xét về hoạt động thương mại và dịch vụ thì vẫn tăng 3,4% so với cùng kỳ. Ông Đông nhận định trong bối cảnh du lịch và vận tải quốc tế giảm, tỷ lệ tăng nói trên đã cho thấy đóng góp rất lớn của thị trường trong nước.

Thế nên, trong chủ trương kích cầu nội địa chung của Chính phủ, Bộ Công thương đã phát động Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia 2020 từ 1 - 31.7 cũng là nhằm tạo thêm một lực đẩy cho thị trường nội địa. “Trong lễ phát động ở Hà Nội vừa qua và danh sách đăng ký cho buổi lễ tương tự ở TP.HCM vào ngày mai có rất nhiều DN lớn mà trước đây hoạt động của họ chủ yếu là xuất khẩu, nhất là trong lĩnh vực may mặc, điển hình là ông lớn như May 10, hay các công ty nông, thủy sản”, ông Đông nói. Chia sẻ quan điểm này, ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho hay thời gian qua mặc dù cơ quan này liên tục đổi mới các hình thức xúc tiến như qua mạng, hội nghị trực tuyến...; song các thương nhân nước ngoài kém mặn mà hơn. “Lý do một phần vì nhiều mặt hàng được các nước nhập khẩu kiểm soát kỹ, chặt chẽ hơn. Một phần là nhu cầu với các mặt hàng không phải là thiết yếu giảm xuống vì người dân thắt chặt chi tiêu”, ông Chiến phân tích.

“Ngay như với chính sách về khuyến mãi, để tạo điều kiện cho DN, chính sách mà Cục vừa ban hành cho phép DN có thể cung cấp mức khuyến mãi cho khách hàng lên tới 100% thay vì tối đa chỉ 50% như theo quy định”, ông Chiến nói.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho rằng câu chuyện Philippines hủy một số đơn hàng nhập gạo mới đây có nhiều lý do. “Có người nói họ tạm ngưng mua vì đã mua nhiều trong đợt dịch trước. Nhưng số liệu cho thấy họ mua chưa hết đơn hàng đã đăng ký. Lý do nào đi nữa, theo tôi vẫn không loại trừ yếu tố cả người dân và DN của họ “ngấm đòn” Covid-19, nhu cầu giảm. Thế nên, điều chỉnh chính sách để ưu tiên sản xuất trong nước cũng là cách mà quốc gia này chọn lựa”, ông Hải phân tích.

Theo thanhnien