Timor-Leste cho biết đã chặn thuyền chở 11 người Việt Nam và 2 người Indonesia ở đảo Jaco - Ảnh: VIP.TV
Báo Sydney Morning Herald ngày 15-6 cho biết 11 người Việt Nam, gồm 8 đàn ông và 3 phụ nữ, cùng 2 thuyền viên người Indonesia, được tìm thấy ở đảo Jaco ở mũi phía đông của Timor-Leste.
Nhóm người này đã phải dừng lại tại đảo Jaco để xin hỗ trợ và tiếp tế sau khi thuyền của họ gặp trục trặc trên biển.
Tiến sĩ Aurelio Guterres, điều phối viên lực lượng phản ứng khẩn cấp COVID-19 của Timor-Leste, nói với tờ Sydney Morning Herald và The Age rằng những kẻ buôn người đã hứa cho những người Việt Nam việc làm tại các nông trại của Úc.
"Điểm đến của họ là Darwin (Úc). Họ muốn làm việc tại các nông trại. Mỗi người trong số họ đã phải trả 22.000 USD cho chuyến đi tìm việc này. Đây là một số tiền rất lớn", ông Guterres cho biết.
Trong khi đó, một nguồn tin khác nói với tờ Sydney Morning Herald rằng những người Việt Nam "là nạn nhân của bọn buôn người, họ được hứa hẹn các công việc tại các nông trại Úc và họ đã bị lừa".
Với chính sách gửi trả công dân về quê nhà nghiêm ngặt của chính phủ Úc, nỗ lực để đưa người đến Úc của những kẻ buôn người gần như đã chấm dứt hoàn toàn. Chính phủ Úc đã gửi trả một con thuyền hồi tháng 1-2020. Năm 2019, Úc cũng gửi trả 4 chiếc thuyền khác cùng người trên đó về lại quê nhà của họ.
Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Úc cho biết chính phủ Úc đã được báo cáo về vụ việc và cảm ơn chính phủ Timor-Leste.
"Đây là lời cảnh báo mạnh mẽ rằng mối đe dọa từ những kẻ buôn người vẫn còn đó và chúng ta phải luôn luôn cảnh giác. Trong chiến dịch Bảo vệ chủ quyền biên giới, Úc và các đối tác trong khu vực đã ngăn chặn hơn 80 kế hoạch buôn người", người phát ngôn của Bộ Nội vụ Úc tuyên bố.
Ông Rui Maria de Araujo, cựu thủ tướng Timor-Leste và là người phát ngôn của lực lượng đặc nhiệm xử lý COVID-19 của Timor-Leste, cho biết 13 người trên đã đến đảo Jaco hôm 12-6, được xét nghiệm virus corona và sau đó ngay lập tức được cách ly.
"Họ bắt đầu hành trình từ Kendari, thủ phủ của tỉnh Đông Nam Sulawesi ở Indonesia. Họ đã bắt đầu chuyến đi từ 10 ngày trước", ông Araujo cho biết.
Ông Araujo cho rằng sự xuất hiện của con thuyền đã gây ra những rủi ro đáng kể cho khả năng ngăn chặn sự lây lan của virus corona của Timor-Leste, mà cho đến nay được đánh giá là thành công.
"Họ đặt ra rủi ro lớn. Tại thời điểm này chúng tôi không có ca nhiễm mới và chúng tôi cũng không có bằng chứng cho thấy có sự lây nhiễm trong cộng đồng", ông Araujo nói thêm.
Tiến sĩ Araujo cho biết Timor-Leste đang làm việc với các đại sứ quán Indonesia và Việt Nam và có vẻ 13 người này sẽ được trả về quê nhà sau khi hoàn thành thời gian cách ly.
Timor-Leste đến nay chỉ ghi nhận 24 ca nhiễm virus corona chủng mới và đã 52 ngày không có ca nhiễm mới. Đất nước này đã đóng cửa phần lớn biên giới, chỉ mở cửa biên giới trên bộ với Indonesia một lần mỗi tuần để giao thương hàng hóa.
Ông Araujo cho biết Timor-Leste đang tập trung ngăn chặn làm sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai và tình trạng khẩn cấp toàn quốc đã được gia hạn đến ngày 27-6.
Theo tuoitre