Trước khi đi cách ly vẫn cố ăn hết hộp sầu riêng

Nguyễn Hồng Kỳ (sống tại quận Bình Tân, TP HCM) là chủ một cửa hàng bán phá lấu bò. Đầu tháng 7/2021, TP HCM áp dụng Chỉ thị 16, gia đình anh ngừng buôn bán, ở nhà phòng dịch. Trong thời gian này, một người hàng xóm gần nhà mắc Covid-19, được đưa đi cách ly, con hẻm nơi gia đình anh sống bị phong tỏa. Ba ngày sau anh bị sốt, người lừ đừ, khó thở. Ngày 7/7, anh có kết quả test nhanh dương tính với Covid-19.

Nhận tin, anh không khỏi lo lắng cho gia đình, người thân. "30 phút sau họ gọi đi xét nghiệm PCR, khẳng định 100% mình là F0 và kêu 'thèm gì ăn đi'. Mình mở tủ lạnh ăn hết hộp sầu riêng mới mua cho đã, rồi lên sắp xếp đồ đạc chuẩn bị lên đường cách ly", anh Kỳ hài hước kể.

Anh Nguyễn Hồng Kỳ trong thời gian điều trị tại bệnh viện dã chiến. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

 

Ngày đầu, anh được cách ly ở Trung tâm triển lãm quận Tân Bình, cơ thể mệt mỏi, đau cơ bắp và xuất hiện các triệu chứng ho. Một ngày sau, anh được cấp thuốc hạ sốt, phát đồ bảo hộ kín mít rồi lên xe cứu thương di chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 4 - khu chung cư tái định cư được trưng dụng làm bệnh viện.

"Lên xe đến bệnh viện, mình sốt, người mệt mỏi và ho không dứt. Ngoài ô tô chở mình còn rất nhiều xe loại 50 chỗ khác chở F0 đến bệnh viện. Bệnh nhân đông, đến hơn 21h mới lên đến phòng", anh Kỳ nhớ lại.

Tối 8/7, anh được xếp vào một block có 5 tầng, mỗi tầng 8 phòng. Phòng nhỏ sẽ có 5 F0, căn lớn có 6 - 8 người, toàn bộ bệnh nhân trong block sẽ được 5-7 dân quân, nhân viên y tế hỗ trợ. Mỗi bệnh nhân còn được chia sẻ hai số điện thoại của bác sĩ để thông báo về việc ăn uống, thăm hỏi hoặc báo tin trong trường hợp có dấu hiệu trở nặng.

Những ngày đầu, người đàn ông mất ngủ, khó thở, ho mạnh và bắt đầu mất khứu giác, vị giác. Anh thử lấy chanh vắt vào miệng, nếm thử dầu gội đầu, ngửi mọi nơi nhưng không có cảm giác. Sau ba ngày điều trị, vợ anh cũng có kết quả dương tính, được xếp vào chung khu cách ly với chồng. Điều may mắn duy nhất là hai vợ chồng được ở gần, luân phiên chăm sóc nhau.

Ở viện điều trị, anh Kỳ "khoe" ngày nào cũng 3 bữa đầy đủ. Sáng ăn bánh bao, bánh chưng, bánh giò. Buổi trưa, chiều ăn cơm sườn, cá, thịt kho tiêu, chả cá. Hễ cần thuốc, thức ăn hay có vấn đề về sức khỏe sẽ được phục vụ tận tình, chu đáo. Thậm chí rất nhiều mạnh thường quân thường xuyên đi phát nhu yếu phẩm như: bàn chải, kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội, sữa, suối, xúc xích..., nếu F0 là trẻ em còn có thêm sữa, bánh kẹo, sách học tiếng Anh, màu tô, đất sét... Được tặng chẳng thiếu thứ gì khiến "đống đồ" lỉnh kỉnh anh mang vào trở nên vô tác dụng.

"Mình nghĩ chỉ nên mang theo chừng 3 bộ quần áo, bình đun siêu tốc, chanh, gừng, mì gói, xà bông..., còn các thứ khác hầu như trong bệnh viện đều có để dùng. Riêng các bệnh nhân nếu sức khỏe cho phép nên tự lau dọn phòng ốc, nhà vệ sinh trước, trong và sau khi rời khỏi trong phòng cách ly. Vậy là mọi người đã đóng góp chút công sức làm giảm tải cho y bác sĩ", anh nói.

Sau 7 ngày nhập viện, anh bắt đầu khỏe lại, không sốt, khứu giác, vị giác dần hồi phục, kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính. Nhưng đến ngày thứ 14 xét nghiệm lại dương tính, anh Kỳ và vợ phải ở lại theo dõi.

Ngày 3/8, sau 26 ngày điều trị tại bệnh viện, anh được xuất viện và tự cách ly tại nhà. Trở về nhà, người đàn ông 34 tuổi hào hứng nói: "Với căn bệnh này, ai giữ được sức khỏe, triệu chứng vô cùng nhẹ nhàng. Ai không may bị dương tính cũng sẽ nhanh khỏi bệnh, quan trọng bản thân phải lạc quan. Bên cạnh đó cũng cần tránh hoang mang khi đọc và nghe thấy những tin tiêu cực".

"Lại F0 à, sao lại vô bệnh viện dã chiến lần nữa?"

Hoàn thành cách ly 14 ngày tại nhà, đang hào hứng mở lại cửa hàng phá lấu bò khi hết giãn cách, anh Kỳ bắt gặp hình ảnh những chiếc xe 50 chỗ, xe cứu thương chạy trên đường Cách Mạng Tháng 8 chở các F0 đi điều trị. Rùng mình, anh chợt nhớ về số ca bệnh, những hình ảnh chia sẻ trên mạng về tình hình dịch bệnh và cả sự quá tải của các bệnh viện.

Trong khoảnh khắc đó, anh bỗng nhớ về khoảng thời gian viện điều trị, vì không đủ phòng, có nhân viên y tế, dân quân phải nằm ngủ dưới nền đất. Đến ngày thứ 12 mình cách ly, họ mới được hỗ trợ giường để nằm. Suất ăn của họ cũng giống bệnh nhân, không hơn không kém. Nhìn họ phải làm việc cả ngày, mặc bộ đồ bảo hộ 24/24 và không được về nhà, anh xót thương. Anh có suy nghĩ lóe lên trong đầu: "Mọi người đã vất vả vì mình, vậy sao mình vẫn ở đây?". Chỉ 5 phút sau, anh quyết định sẽ trở lại bệnh viện nơi mình từng điều trị để chăm sóc các bệnh nhân F0, trả ơn những người từng giúp đỡ.

Anh Kỳ quyết định trở lại bệnh viện để trả ơn những người đã giúp đỡ mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Sáng 16/8, anh quay trở lại bệnh viện dã chiến số 4 một lần nữa. Không phải vì tái dương tính mà lần này, anh sẽ tham gia hỗ trợ các bệnh nhân đang điều trị.

Tại bệnh viện, anh được sắp xếp làm tại phòng hồi sức cho các bệnh nhân nặng phải thở oxy. Việc tiếp xúc trực tiếp với virus là chắc chắn, nhưng anh hay trêu đùa "mình bất tử rồi, virus không thể làm gì được", cộng với việc được bác sĩ Thanh - Trưởng khoa cấp cứu hồi sức tại bệnh viện dã chiến số 4 hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân, công việc trở nên dễ dàng hơn.

"Ban đầu mình được sắp xếp giao cơm, nhận quà cứu trợ từ mạnh thường quân nhưng khi mọi người có ý chuyển sang hỗ trợ phòng cấp cứu hồi sức cho bệnh nhân nặng nằm thở máy, mình đồng ý ngay", anh Kỳ nói.

Hiện anh chăm sóc cho hai nữ bệnh nhân, một người 66 tuổi và một người 71 tuổi không có người thân bên cạnh. Hàng ngày anh hỗ trợ hai cô ăn uống, thay tã, lau người, ngồi hướng dẫn tập thở, động viên mọi người mau chóng khỏe lại.

6h sáng mỗi ngày, anh bắt đầu vệ sinh khu hồi sức cấp cứu, thu gom rác y tế, quét dọn. Hoàn tất công việc lau dọn, chăm sóc cho hai bệnh nhân, 9h sáng kết thúc ca đầu. Công việc tiếp tục lặp lại vào lúc 11h30 trưa và 6h tối. Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, người đàn ông lại gọi điện thoại về cho gia đình, sau lại hỏi han các bệnh nhân mình đang chăm sóc.

"Trước khi đăng ký đi tình nguyện mình cũng chứng kiến nhiều người qua đời vì Covid-19, nghe nhiều, buồn cũng chẳng ít, nhưng mong mọi người hãy lạc quan, đừng mãi nhìn vào cái tiêu cực. Các nhân viên y tế đã làm hết sức rồi, họ cũng mong hết dịch để về gia đình, vậy nên mỗi người hãy cùng nhau cố một chút", anh Kỳ tâm sự.

Nhớ gia đình, mong mỏi một ngày Sài Gòn "hết bệnh" để được về nhà, mở lại quán phá lấu, còn hiện tại, anh vẫn quyết bám trụ ở bệnh viện, cố gắng chăm sóc bệnh nhân, lan tỏa những điều lạc quan, tích cực đến mọi người.

Theo Ione