Các chuyên gia thảo luận về địa hình hang động Tham Luang để cứu những người mắc kẹt bên trong
Những ngày qua, tin tức về đội bóng mất tích trong hang động Tham Luang ở tỉnh Chiang Rai lan truyền không chỉ ở Thái Lan mà còn khắp nơi trên thế giới.
Nhiều người ngoại quốc xa lạ đã không quản ngại đường xa lặn lội đến Thái Lan để tham gia vào chiến dịch cứu hộ được xem là lớn nhất lịch sử nước này, với sự tham gia của nhiều cơ quan chính phủ và cả quân đội Thái.
Anh Jordan Kennedy, một nhân viên y tế từ thành phố New York của Mỹ, là một trong những người tình nguyện tốt bụng.
"Tôi có kinh nghiệm về cấp cứu. Tôi từng làm tình nguyện viên ở các trại tị nạn ở biên giới Thái Lan - Myanmar, nên tôi đến đây vì tôi nghĩ mình có thể đóng góp chuyên môn cho nhóm cứu hộ" - anh Kennedy trả lời phỏng vấn báo The Nation của Thái.
Mặc dù 7 ngày đã trôi qua kể từ khi 13 thành viên một đội bóng địa phương bị kẹt trong hang động ngập nước, anh Kennedy tin rằng hy vọng vẫn còn và các nạn nhân có thể được cứu.
"Kinh nghiệm làm y tế dạy tôi rằng dù trong tình huống đen tối nhất, chúng ta không thể mất hi vọng, nếu không chúng ta sẽ không thể đủ bình tĩnh làm việc" - anh cho biết.
Anh Nathee Ruengsa-ad, một tình nguyện viên từ Bangkok làm việc trong ngành du lịch mạo hiểm, liệt kê 3 thử thách chính nhóm cứu hộ phải đối mặt trong hang sâu: bóng tối, nước và không khí.
"Cái hang có thể tối đến mức bạn không nhìn thấy bàn tay, trong khi mực nước cao và không khí loãng sẽ đe dọa những người cứu hộ" - anh Nathee mô tả.
Tuy nhiên, Nathee nói anh hiểu vì sao mọi người liều mạng để cứu những người xa lạ họ chưa từng gặp.
"Đến tôi còn cảm thấy thôi thúc phải làm gì đó để mang đám trẻ ra sau khi nghe tin. Tôi khôg thể ngủ dù chỉ 1 phút nếu tôi không đến đây để giúp đỡ trong khả năng" - anh bày tỏ.
Lời giải thích của anh Jean Christian Manga Mbolo - một cầu thủ bóng đá Cameroon chơi ở giải vô địch Thái Lan, thì hết sức chân thành và cảm động:
"Tôi không có kỹ năng nào có ích cho nỗ lực cứu hộ, nhưng tôi vẫn đến để giúp. Tôi sẵn sàng làm bất cứ gì, kể cả công việc tay chân".
Đến ngày 27-6, theo lời đề nghị của Chính phủ Thái Lan, 30 lính đặc nhiệm Mỹ với trang thiết bị chuyên dụng thuộc Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) và một nhóm thợ lặn người Anh đã bắt đầu tham gia hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ.
Các chuyên gia của Úc, Trung Quốc và Nhật cũng đã có mặt tham gia nỗ lực cứu trợ.
Binh sĩ Thái Lan lập trạm xá dã chiến cạnh miệng hang động Tham Luang để có thể tiếp nhận những người được cứu
Dù đã rất nỗ lực nhưng công tác tìm kiếm cứu hộ vẫn chưa có kết quả, do các thợ lặn không thể vào được sâu trong hang một số ngày liền. Lượng nước đục ngầu bùn đất dâng nhanh do mưa lớn liên tiếp khiến việc bơm nước ra ngoài gặp khó khăn.
Nằm trong công viên rừng Tham Luang-Khun Nam Nang Noon, hang động Tham Luang là một địa điểm du lịch mạo hiểm ở Thái Lan và thường đóng cửa trong mùa mưa kéo dài từ tháng 7 đến tháng 12 ở quốc gia Đông Nam Á này.
Theo quy định, du khách vào hang chỉ được phép đi sâu tối đa 700m, tuy nhiên, lực lượng chức năng Thái Lan xác định đội bóng trên đã đi sâu hơn quy định qua các dấu chân và đồ đạc đã tìm thấy.
Theo Tuổi trẻ