leftcenterrightdel
 Việc giá cả các mặt hàng tăng mạnh có thể khiến người dân ở Đông Nam Á gặp khó khăn và đối mặt nguy cơ mất an ninh lương thực.

Do biến đổi khí hậu, tác động kinh tế xã hội của đại dịch COVID-19 và các cuộc xung đột, thế giới đang khủng hoảng trầm trọng về vấn đề xóa đói giảm nghèo. Theo ước tính khoảng 750 triệu người (gần 10% dân số toàn cầu) đang phải đối mặt với nạn đói vào năm 2022.

Ở Đông Nam Á, 7,3% dân số bị suy dinh dưỡng, trong khi 18,8% phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức vừa hoặc nghiêm trọng. Đại dịch và chiến tranh ở Ukraine cũng làm gián đoạn các chuỗi cung ứng lương thực, khiến giá cả tăng cao.

Chưa kể, gần 3/4 số hộ gia đình thuộc ASEAN bị giảm thu nhập do đại dịch. Những người nghèo nhất Đông Nam Á là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trớ trêu thay, tại Thái Lan - quốc gia tự xưng là “Nhà bếp của thế giới” - gần 30% người Thái đã trải qua tình trạng mất an ninh lương thực ở mức trung bình hoặc nghiêm trọng từ năm 2018 - 2020, so với khoảng 15% từ năm 2014 - 2016.

Cũng có bằng chứng cho thấy lạm phát giá lương thực và giảm thu nhập đã buộc nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp ở các nước như Lào, Malaysia và Campuchia tiêu thụ thực phẩm rẻ, ít dinh dưỡng hơn trong những năm gần đây.

Bên cạnh đại dịch, biến đổi khí hậu cũng tác động không nhỏ đến tình trạng mất an ninh lương thực tại Đông Nam Á. Một ước tính cho thấy năng suất lúa ở khu vực có thể giảm tới 50% do lũ lụt, hạn hán và nắng nóng, việc trồng lúa ở các khu vực đồng bằng ven sông cũng bị ảnh hưởng nặng nề do nước biển xâm lấn.

Theo phunuonline.com.vn