Tình trạng ngược đãi người già gia tăng ở Châu Á
Cập nhật lúc 00:01, Thứ tư, 19/01/2022 (GMT+7)
Sự gia tăng bạo lực đối với người già một phần có liên quan đến đại dịch COVID-19, mức tăng đột biến tương tự cũng được báo cáo trong các vụ lạm dụng gia đình và trẻ em.
|
|
Một người đàn ông lớn tuổi đi dọc con phố phủ đầy tuyết ở Tokyo. Xu hướng ngược đãi người cao tuổi ngày càng tăng ở Nhật Bản một cách đáng lo ngại - Ảnh: EPA |
“Bà ấy rất cáu kỉnh và tôi không thể kiềm chế”. Đó là những gì Yu Inoue nói khi cô bị đưa đến đồn cảnh sát ở Sapporo, miền Bắc Nhật Bản, vào khuya 23/12/2021. Người phụ nữ 57 tuổi thú nhận đã liên tục đấm vào mặt người mẹ 82 tuổi của mình, và giậm vào người bà khi bà ngã sấp xuống đất, sau khi cả hai cãi nhau về con chó của gia đình. Bà Kiyomi Inoue được cho là đã chết trong khoảng thời gian bị con gái hành hung. Sau khi phát hiện mẹ mình qua đời, người con gái đã đi tự thú. “Tôi đã mất bình tĩnh trước cách nói chuyện của mẹ tôi”, Yu Inoue trình bày.
Mặc dù là câu chuyện rất đau lòng nhưng trường hợp của bà Inoue không phải là duy nhất về tình trạng ngược đãi người cao tuổi ở Nhật Bản. Một cuộc khảo sát được công bố vào cuối tháng 12/2021 của Bộ Y tế và Phúc lợi nước này cho thấy có đến 17.281 vụ người cao tuổi bị các thành viên trong gia đình hành hung vào năm 2020 với 25 trường hợp tử vong.
Ngày 22/12/2021, Hiroshi Usui bị bắt vì tình nghi dùng dao đâm vào ngực và bụng người cha 79 tuổi tại nhà riêng ở Hitachinaka, tỉnh Ibaraki. Ông Kensuke Usui được đưa đến bệnh viện gần nhà nhưng đã qua đời hai giờ sau đó. Con trai ông từ chối trả lời các câu hỏi của cảnh sát. Trước đó 10 ngày, cảnh sát tỉnh Hyogo đã bắt giữ một người đàn ông 49 tuổi vì giết mẹ già 88 tuổi tại nhà riêng. Một ngày sau, nghi phạm nói với cảnh sát rằng ông ta “không nhớ” bất cứ điều gì về cái chết của mẹ mình.
Ngày 11/12/2021, một người đàn ông khoảng 60 tuổi đã gọi điện cho cảnh sát Tokyo và nói rằng ông sẽ tự sát sau khi siết cổ mẹ mình. Cảnh sát tìm thấy bà cụ khoảng 90 tuổi tại nhà, đang chảy nhiều máu nhưng vẫn còn sống. Thi thể người con trai lại được tìm thấy sau đó ở một tuyến đường sắt của thủ đô Nhật Bản.
Những người tham gia khảo sát về sự gia tăng bạo lực đối với nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Nhật Bản cho biết sự gia tăng này xuất phát từ sự thất vọng và lo sợ do đại dịch, các trường hợp lạm dụng gia đình và trẻ em cũng tăng đột biến.
Nhật Bản là quốc gia có dân số già nhất thế giới và xu hướng già hóa đang dần lan ra khắp châu Á, bao gồm Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore và Hàn Quốc. Do đó, tình trạng ngược đãi người cao tuổi đang là mối quan tâm đối với dân số già ở châu Á, những gì đang xảy ra ở Nhật Bản cho thấy nó trở thành một vấn đề mà các quốc gia khác sẽ phải đối mặt thường xuyên hơn trong tương lai.
Vickie Skorji - Giám đốc dịch vụ tư vấn và TELL Lifeline có trụ sở tại Tokyo - cho biết: “Mọi người đã có đủ căng thẳng trong cuộc sống như áp lực công việc, lo lắng về tiền bạc rồi phải sống với cuộc khủng hoảng sức khỏe hơn hai năm qua đã làm kiệt sức tất cả. Thêm vào đó là sự cô lập do đại dịch khiến mọi người không thể gặp bạn bè, gia đình, hoặc thậm chí chỉ nói chuyện với đồng nghiệp… Dần dà khiến mọi người cảm thấy nghẹt thở và sự khoan dung của nhiều người đã biến mất”.
Giáo sư Makoto Watanabe tại Đại học Hokkaido Bunkyo nói: “Trước đây, người già là cốt lõi của mọi cộng đồng - đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Họ được tôn trọng vì hiểu biết về mùa màng và khu vực sinh sống. Nhưng giờ đây, cuộc sống đã thay đổi nên giá trị của người già đối với cộng đồng cũng giảm sút. Theo tôi, xã hội ngày nay đã đạt được rất nhiều thứ nhờ công nghệ, nhưng chúng ta dường như đã đánh mất quá nhiều sự đồng cảm, thấu hiểu và sẻ chia của mình”.
Theo phunuonline