Bà Shoko Arai - ủy viên hội đồng ở Kusatsu - một khu nghỉ mát suối nước nóng nổi tiếng ở phía tây bắc Tokyo, đã mất chức sau khi có hơn 90% cư dân bỏ phiếu loại bà vì cho rằng bà đã làm tổn hại danh tiếng của thị trấn.

Bà Shoko Arai là thành viên nữ duy nhất của hội đồng thị trấn. Bà đã bị mất chức chỉ vì cáo buộc thị trưởng tấn công tình dục. Theo truyền thông thế giới, đây là một bước lùi cho phong trào #Metoo tại đất nước Nhật Bản.

"Tình trạng của bà Arai đã làm nổi bật sự thống trị của nam giới đối với chính trị địa phương và cả quốc gia ở Nhật Bản - vốn hoạt động kém hơn so với quốc tế về đại diện của phụ nữ trong chính trị", tờ The Guardian nói.


                                                                                                                  Bà Shoko Arai


Trong một cuốn sách điện tử xuất bản vào tháng 11 năm ngoái, bà Arai đã kể rằng thị trưởng Kusatsu, ông Nobutada Kuroiwa, 73 tuổi đã "ép buộc bà quan hệ tình dục" trong văn phòng của ông ta vào năm 2015. Bà nói Kuroiwa đã “đột ngột kéo tôi lại gần, hôn tôi và đẩy tôi xuống sàn” và nói thêm rằng bà “không thể đẩy ông ta ra".

Ông Kuroiwa đã phủ nhận việc tấn công tình dục bà Arai khi nói rằng vào ngày xảy ra vụ việc, cửa văn phòng và rèm cửa của ông đều mở. Ông Kuroiwa đã nộp đơn đến cảnh sát địa phương để khiếu nại về hành vi phỉ báng của bà Arai.

Những cáo buộc của bà Arai đã gây ra phản ứng dữ dội giữa các thành viên nam trong hội đồng và một chiến dịch tấn công cá nhân nhằm vào nữ hội viên được ngồi vào chiếc ghế này kể từ năm 2011.

Các thành viên trong hội đồng đã bỏ phiếu loại bà vào tháng 12 năm ngoái, nhưng động thái này đã bị chính quyền tỉnh lật lại. Các chính trị gia địa phương, những người đã cáo buộc bà Arai “làm tổn hại nhân phẩm” của hội đồng, sau đó đã thu thập đủ chữ ký để tổ chức một cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm.

Một phát ngôn viên của tòa thị chính cho biết, trong số 2.835 cư dân đã bỏ phiếu, có 2.542 người ủng hộ việc loại bà Arai.

Bà Arai, 51 tuổi, không đồng tình và mô tả cuộc bỏ phiếu là "bất công và vô lý". Bà nói thêm rằng sẽ "không bị khủng bố bởi áp lực từ những người có quyền lực". Ngoài ra, các đồng nghiệp cũ của bà Arai cũng ủng hộ quyết định này. Một phụ nữ địa phương - một trong số ít cư dân ủng hộ bà Arai - nói: “Nếu ai đó mất việc sau khi đưa ra cáo buộc tấn công tình dục, những người khác cũng sẽ khó lên tiếng vì sợ bị sa thải”.

Phản ứng trước những cáo buộc của Arai đã làm tập trung sự chú ý vào những gì mà các nhà vận động cho rằng Nhật Bản đã thất bại trong việc điều tra các cáo buộc về bạo lực tình dục một cách hợp lý. Theo một cuộc khảo sát năm 2017 của chính phủ, chỉ 4% phụ nữ đưa ra cáo buộc tấn công tình dục.


Chính quyền Nhật Bản bị áp lực phải xử lý các cáo buộc hiếp dâm một cách nghiêm túc hơn kể từ khi phóng viên Shiori Ito - biểu tượng phong trào #MeToo của Nhật Bản - cáo buộc Noriyuki Yamaguchi, một nhà báo truyền hình nổi tiếng, đã cưỡng hiếp cô vào năm 2015.

Việc cảnh sát quyết định không bắt giữ Yamaguchi khiến Ito khởi động vụ kiện dân sự. Cuối cùng cô đã giành được phần thắng vào cuối năm ngoái. Yamaguchi phải bồi thường thiệt hại cho cô.

 

Theo  phunuonoline.com