Tại quốc gia Trung Phi với nhiều bất ổn xã hội như Chad, phụ nữ trẻ là nhóm dân cư đặc biệt nhạy cảm trước hành vi xâm hại, kỳ thị. (Ảnh: Reuters)
Là tổ chức nhân quyền độc lập, phi lợi nhuận, diễn đàn "Chính sách vì trẻ em châu Phi" (African Child Policy Forum - ACPF) chuyên vận động chương trình đối thoại, phát triển dự án nghiên cứu cộng đồng vì trẻ em.
Cuối tháng 11 vừa qua, báo cáo mới do ACPF công bố đưa ra chuỗi tiêu chí xếp loại 52 quốc gia châu Phi căn cứ trên phương diện “tạo lập môi trường sống thân thiện” với nữ giới, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Nội dung báo cáo “tô đậm” những thực trạng nghiêm trọng gây quan ngại bấy lâu đối với trẻ em, phụ nữ châu Phi: bị tước bỏ quyền giáo dục, chịu đựng nạn tảo hôn, xâm hại tình dục, bạo lực gia đình, nguy cơ bị bóc lột sức lao động vì đói nghèo, thiếu hụt chăm sóc y tế cùng nhiều quyền lợi căn bản khác. Điều này càng tồi tệ hơn trong năm nay khi đại dịch COVID-19 càng kéo theo hệ lụy ở những nước này: nghèo càng nghèo hơn, đói càng đói hơn và phụ nữ bị áp bức, bạo lực càng nặng nề hơn.
Về chính sách an sinh nói chung dành cho trẻ em - phụ nữ, mặc dù một số quốc gia đã thể hiện “bước tiến rõ rệt” hơn 30 năm qua, nhưng báo cáo nghiên cứu từ ACPF nhận định, “những nỗ lực này vẫn là chưa đủ”.
“Thiếu nữ châu Phi thường xuyên là nạn nhân của nền tảng đức tin truyền thống độc hại, thái độ gia trưởng, và đủ loại quy tắc, “lệ làng” mang tính phân biệt đối xử”, Giám đốc điều hành ACPF, Joan Nyanyuki, cho biết.
“Bất kể đang có sự phát triển chính sách nhằm cải thiện vấn đề ở một vài khu vực, thiếu nữ trên hầu hết lục địa vẫn phải tiếp tục đối mặt thực tế cuộc sống đầy bất công. Điều thê thảm hơn là, đại dịch đã kéo lùi những bước tiến mà trước đó chúng tôi cố gắng đẩy nó cao và nhanh hơn. Tất nhiên, người bị nặng nề nhất vẫn là trẻ em và phụ nữ”.
Trong tổng số 308 triệu thiếu nữ châu Phi, chỉ có một trên năm em có cơ hội học đến bậc trung học Ảnh: Global Justice Now
Tỷ lệ tảo hôn cao, nạn đói hoành hành, cộng với trình độ dân trí thấp đang khiến Cộng hòa Chad và Nam Sudan thuộc khu vực Trung Phi được xem như hai đất nước có tiêu chuẩn đời sống thấp nhất đối với trẻ em gái.
Ngược lại, Mauritius đạt điểm đánh giá cao nhất trong bản báo cáo. Quốc đảo tọa lạc ở Đông Phi đã tái lập bộ luật bảo vệ quyền phụ nữ, cho thấy nỗ lực điều chỉnh nhận thức về nhân quyền để hòa hợp với quy chuẩn chung của quốc tế. Mauritius có tỷ lệ giáo dục sơ cấp khả quan hơn cả trong số những quốc gia châu Phi. Phụ nữ trẻ mang thai tại quốc đảo cũng nhận được đầy đủ quyền lợi chăm sóc y tế tiền sản.
Hiện có 308 triệu nữ giới dưới 18 tuổi là công dân châu Phi bản địa. Với dân số đông đảo ở 52 quốc gia, thế nhưng chỉ có một trên năm thiếu nữ châu Phi có cơ hội học lên trung học. Báo cáo từ ACPF cũng ghi nhận, trên toàn châu lục, 1/3 trường tiểu học và 1/4 trường trung học không được trang bị cơ sở vật chất thiết yếu như nhà vệ sinh.
Vấn nạn quấy rối tình dục, xâm hại thể chất lẫn tinh thần xảy ra thường trực với nữ sinh. Đây là nguyên nhân buộc rất nhiều em phải thôi học, theo ACPF.
“Thế hệ phụ nữ trẻ ở châu Phi hiện vẫn chưa được tôn trọng, đánh giá cao như nam giới, và họ đang bị tước đi nhiều cơ hội trong cuộc sống vì tư tưởng kỳ thị. Sự bất bình đẳng, định kiến về giới vẫn đang hiện hữu và nổi rõ hơn bao giờ hết trong đại dịch này. Điều này cần phải thay đổi ngay từ bây giờ”, Nyanyuki nhấn mạnh.
Theo phunuonline.com.vn