Tôi từng là kỹ sư phần mềm tại Google. Cái danh ấy sẽ theo tôi suốt đời. Tôi gia nhập Google năm 2015 sau khi tốt nghiệp đại học, thời điểm công ty lọt danh sách nơi làm việc tốt nhất của Forbes.

Làm việc cho Google là giấc mơ từ nhỏ. Hồi còn đi học, tôi là đứa trẻ vô gia cư, được nuôi dưỡng theo chế độ dịch vụ (foster care) và từng bị tẩy chay vì kém giao tiếp. Tôi khao khát được làm việc tại các công ty nổi tiếng, nơi mang đến sự an toàn, môi trường tập thể cởi mở và những người cùng chí hướng.

Đó chính xác là những gì tôi tìm thấy ở Google. Những bữa ăn của tôi diễn ra tại văn phòng. Phòng khám sức khỏe hay phòng gym tôi thường đến đều nằm trong khuôn viên Google. Tôi và đồng nghiệp cùng đặt phòng trên AirBnb để đi công tác, chơi bóng chuyền sau các sự kiện lớn, lái xe dưới trời mưa vào cuối tuần.

Câu chuyện từ New York Times của Emi Nietfeld, cựu Kỹ sư Phần mềm từng bị trưởng nhóm tại Google quấy rối.

Nhan vien Google bi quay roi tinh duc anh 2

Không một công ty đại chúng nào xem bạn là gia đình, điều tôi từng nghĩ sẽ khác với Google. Ảnh:Fast Company.

Tôi không dám kể chuyện bị quấy rối

Trong mắt tôi, quản lý cấp trên chẳng khác gì người cha đáng kính. Ông ấy tin vào khả năng, quan tâm đến cảm xúc của tôi. Những gì tôi muốn là được thăng chức để ông ấy tự hào, và chúng tôi vẫn được làm việc cùng nhau. Đó là động lực để tôi hoàn thành công việc, bất kể chúng căng thẳng và nhàm chán đến mức nào.

Số ít người làm cho những công ty khác cũng nói rằng không nơi nào tốt hơn Google. Tôi vẫn tin điều đó, cả khi trưởng nhóm kỹ thuật của tôi - không phải người quản lý - luôn gọi tôi bằng những từ "xinh đẹp" và "lộng lẫy". Tôi từng nhắc gã đừng gọi như thế nữa. Có lần gã còn gọi tôi là "nữ hoàng của anh".

Trong những cuộc họp riêng tư, người trưởng nhóm nhiều lần rủ tôi đi chơi với bạn, thậm chí nói rằng muốn "sở hữu một cô gái tóc vàng cao ráo". Người mà anh ta mô tả rất giống tôi.

Kể lại chuyện về gã ta chẳng khác gì phủ nhận những suy nghĩ tốt đẹp của tôi về Google. Công ty này đáp ứng mọi yêu cầu của nhân viên - buồng nghỉ trưa, ghế massage, tăm bông trong nhà tắm, xe đưa đón nhân viên. Google chẳng khác gì khu vườn địa đàng, tôi thì sống trong nỗi sợ mất việc.

Khi kể cho người khác chuyện bị quấy rối tại Google, họ thắc mắc tại sao công việc được mơ ước như tôi lại đáng sợ đến vậy. Tôi cũng tự hỏi điều đó. Tôi lo rằng nếu để người khác biết chuyện cá nhân, họ sẽ nghĩ rằng tôi không đủ bản lĩnh trong môi trường đầy khắc nghiệt này.

Do đó, tôi quyết định không kể chuyện này với quản lý của mình trong hơn một năm. Tôi chỉ lên tiếng khi gã trưởng nhóm dường như sắp làm quản lý mới của tôi, thay thế người mà tôi quý mến. Không chỉ tôi, ít nhất 4 nhân viên nữ khác nói rằng anh ta làm họ khó chịu, chưa kể 2 người khẳng định sẽ không làm việc với gã.

Nhan vien Google bi quay roi tinh duc anh 3

Biểu tình tại Google năm 2018, phản đối việc công ty đối xử bất công với 2 nhân viên cáo buộc bị lãnh đạo quấy rối tình dục. Ảnh:Los Angeles Times.

Google đã trở nên tầm thường

Sau khi nộp đơn khiếu nại lên phòng nhân sự, cái nhìn của tôi về Google đã thay đổi. Từ một công ty tuyệt vời, Google đã trở nền tầm thường như mọi doanh nghiệp khác. Khi gặp khó khăn, họ sẽ ưu tiên cho hình ảnh công ty. Tôi đã dành mọi thứ cho công việc này, cũng là những gì họ muốn ở tôi, nhưng thật tệ khi đến lúc gặp khó khăn, tôi nhận ra Google chỉ xem tôi như biết bao nhân viên bình thường.

Quá trình khiếu nại kéo dài 3 tháng. Trong lúc đó, tôi phải họp, ngồi kế bên kẻ quấy rối mình. Mỗi khi hỏi về tiến độ xử lý đơn khiếu nại, nhóm điều tra viên chỉ khuyên tôi gọi tư vấn tâm lý, làm việc tại nhà hoặc xin nghỉ phép.

Tôi phát hiện rằng đó cũng là câu trả lời của Google với những khiếu nại về phân biệt chủng tộc hay giới tính. Claire Stapleton, một trong những người tổ chức biểu tình phản đối Google năm 2018, từng được khuyên nghỉ phép. Còn Timnit Gebru, trưởng nhóm nghiên cứu đạo đức AI của Google, được khuyên gặp bác sĩ tâm lý trước khi bị sa thải cuối năm ngoái.

Tôi quyết định sẽ chiến đấu đến cùng. Tôi biết rằng nếu từ bỏ, họ sẽ không đoái hoài đến đơn khiếu nại này nữa. Kết quả, trưởng nhóm kỹ thuật của tôi bị buộc tội vi phạm quy tắc ứng xử, chính sách chống quấy rối.

Dù bị buộc tội, kẻ ấy vẫn ngồi cạnh tôi. Quản lý của tôi nói rằng phòng nhân sự sẽ không điều chuyển vị trí của hắn, nhưng đã phải chịu "hình phạt thích đáng". Theo quan sát của tôi, dường như gã ta chẳng nhận hình phạt nào.

Nhan vien Google bi quay roi tinh duc anh 4

Từ một công ty tuyệt vời, Google trong mắt tôi trở nền tầm thường như mọi doanh nghiệp khác. Ảnh:AFP.

Lên tiếng khiến tôi nhận hậu quả

Hậu quả của việc lên tiếng khiến tôi suy sụp. Tôi cảm thấy bị phản bội khi gặp quản lý và nhóm điều tra. Tôi thấy bực bội khi kẻ quấy rối mình đi ngoài hành lang. Tôi bị giật mình khi có người đến sau bàn làm việc. Tiếng hét khi giật mình của tôi đủ lớn để mọi người trong phòng nghe rõ. Tôi sợ mình bị trừ điểm hiệu suất làm việc, ảnh hưởng đến con đường thăng tiến.

Tôi không thể ngủ vào ban đêm trong nhiều tuần liền.

Nhan vien Google bi quay roi tinh duc anh 5

Emi Nietfeld, kỹ sư phần mềm từng bị trưởng nhóm tại Google quấy rối. Ảnh:New York Times.

Tôi nộp đơn xin nghỉ phép có lương trong 3 tháng, với nỗi lo rằng sẽ không được thăng chức. Giống nhiều đồng nghiệp khác, văn phòng Google đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của tôi. Nghỉ phép đồng nghĩa tôi không được đến văn phòng, không được vào phòng gym và quán nước quen thuộc.

Sau khi trở lại làm việc, tôi rất háo hức để bù đắp cho khoảng thời gian nghỉ phép. Dù được điểm hiệu suất rất cao, rõ ràng tôi không còn phù hợp để thăng chức. Sau 3 tháng nghỉ phép, quản lý xem tôi như kẻ yếu đuối. Ông ấy nói tôi uống quá nhiều cà phê, không ngủ đủ giấc.

Lên tiếng do bị quấy rối đã phá vỡ một trong những mối quan hệ đáng trân trọng nhất của tôi. 6 tháng sau khi quay lại Google, khi tôi hỏi về việc thăng chức, ông quản lý nói rằng: "Ở trong nhà gỗ thì đừng đốt diêm".

Không được thăng chức, lương của tôi cũng bị giảm. Tuy nhiên tôi vẫn muốn ở lại Google. Bất chấp mọi thứ, tôi vẫn tin rằng Google là công ty tốt nhất thế giới. Sự việc xảy ra khiến lòng tin ấy bắt đầu lung lay, tôi không thể nghĩ cuộc sống bên ngoài Google sẽ như thế nào.

Tôi đã phỏng vấn và nhận được đề nghị làm việc từ 2 hãng công nghệ lớn khác. Google nhanh chóng thương lượng bằng mức lương cao hơn tôi đang có, nhưng số tiền ấy vẫn thấp hơn đáng kể so với 2 công ty kia. Tôi được biết phòng tài chính của Google đã tính toán giá trị của tôi đối với công ty. Tôi không nghĩ họ sẽ giữ nguyên con số sau đơn khiếu nại chuyện bị quấy rối và 3 tháng nghỉ phép.

Tôi không còn lựa chọn nào ngoài việc rời đi. Nỗ lực giữ tôi lại của Google là bằng chứng cho thấy công việc chỉ là công việc, và tôi sẽ có giá trị hơn khi chuyển sang nơi khác.

Sau khi rời Google, tôi tự nhủ sẽ không còn quá yêu công việc nữa. Không phải cách tôi thích Google. Không phải vì lời hứa chu cấp những thứ cơ bản cho nhân viên của các công ty. Không một công ty đại chúng (lên sàn chứng khoán) xem bạn là gia đình, điều tôi từng nghĩ sẽ khác với Google.

Tôi đã nhận công việc tại một công ty không còn ràng buộc tôi về cảm xúc. Tôi thích những đồng nghiệp tại đây, dù chưa hề gặp mặt trực tiếp. Tôi tìm được bác sĩ của riêng mình, học cách tự nấu ăn. Người quản lý của tôi mới 26 tuổi, quá trẻ để tôi xem là cha. Khi được hỏi về công việc mới, tôi chỉ bảo rằng: đó là công việc của tôi mà thôi.

 

Theo Zing