Về Việt Nam để xử lý công việc cá nhân, anh Hiếu Ngô - 29 tuổi, định cư tại Darwin, Australia - không ngờ rằng “mình lại bị kẹt lại ở đây lâu đến vậy”. Khi Australia thông báo mở cửa trở lại cho người có thị thực đã tiêm chủng, anh cho biết bản thân "rất hào hứng và ngay lập tức đặt vé máy bay trở lại nước này".
Vậy là sau nhiều ngày chờ đợi, anh đã có thể quay trở lại Australia để đoàn tụ cùng gia đình. Song sự xuất hiện của biến chủng Omicron đã làm đảo lộn tất cả. Chuyến bay trở lại Australia của anh cũng đành phải hoãn lại sau nhiều ngày mong ngóng.
Ngày 29/11, chính phủ Australia quyết định tạm ngưng kế hoạch mở cửa biên giới theo kế hoạch đối với sinh viên quốc tế và những người có thị thực đủ điều kiện khác cho đến ngày 15/12. Do vậy, anh Hiếu phải hủy vé máy bay đến Australia vào ngày 2/12.
“Tôi thực sự rất bối rối trước thông tin này. Tôi đã phải hủy vé đến hai lần, khiến bản thân lỡ mất rất nhiều công việc ở Australia”, anh nói với Zing.
Kế hoạch bị ảnh hưởng
Đó cũng là tình cảnh chung của nhiều người Việt khác đang có ý định đến Nhật Bản và Australia trong thời gian tới. Chính phủ Nhật Bản ngày 29/11 đã quyết định ngừng cho phép doanh nhân và sinh viên nước ngoài nhập cảnh vào đất nước này do sự xuất hiện của biến chủng Omicron, theo Nikkei Asia.
Nhiều sinh viên Việt cho biết “họ bàng hoàng” trước thông tin này, do cách đó không lâu, chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh cấm khi số ca nhiễm trong nước giảm mạnh.
Thanh Phương - 20 tuổi, sống tại Hải Dương - cho biết kế hoạch đến Nhật của cô cũng “đành phải gác lại” khi chính phủ nước này tuyên bố tạm thời đóng cửa biên giới.
“Vì tôi đã có COE (giấy chứng nhận tư cách lưu trú Nhật Bản) nên việc bay đúng hạn là điều rất cần thiết. Nếu lịch bay bị lùi lại, tôi có khả năng phải xin cấp lại giấy tờ này vì quá hạn. Điều này tốn rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc nữa”, Phương nói với Zing.
Phương cho biết bản thân đã bỏ lỡ kì học tháng 10, và việc đó đã ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch học tập của cô. Đồng quan điểm, anh Tuấn Anh - 21 tuổi - cho biết bản thân đã chờ đợi được sang Nhật trong hơn một năm nay, nhưng chuyến đi của anh cũng lần lượt bị hoãn lại.
Từ bỏ cơ hội học tập tại Đại học Khoa học - Tự nhiên Hà Nội để du học Nhật Bản, tuy nhiên, đến nay, anh Tuấn Anh vẫn chưa thể đặt chân đến Nhật. Dù ngôi trường anh chọn vẫn cho phép học trực tuyến, anh cho biết bản thân ưu tiên học trực tiếp tại cơ sở nên vẫn quyết định đợi thêm.
“Kể từ khi Nhật Bản nới lỏng hạn chế nhập cảnh vào đầu tháng, tôi đã mong chờ rằng chuyến bay đưa tôi sang Nhật sẽ sớm cất cánh, tuy nhiên, biến chủng Omicron đã làm đảo lộn tất cả”.
Ngoài ra, Phan Duy, sinh viên Đại học La Trobe, cho biết mọi kế hoạch của anh cũng đều phải hoãn lại trước thông tin Australia tạm dừng mở cửa với khách quốc tế.
Dù đã nhập học gần hai năm, anh Duy vẫn chưa một lần đặt chân đến ngôi trường mình đang theo học. Dịch Covid-19 khiến hành trình sang Australia của anh gặp muôn vàn trắc trở.
“Tôi đã lên kế hoạch sang Australia từ năm 2020. Bản thân dự định ăn Tết xong sẽ bay sang nhập học, nhưng dịch Covid-19 đã khiến tôi vẫn phải ở lại Việt Nam đến tận bây giờ”, anh Duy nói với Zing.
Bên cạnh đó, việc liên tục phải dời lại ngày bay khiến chi phí cho giá vé tăng đáng kể. Về vấn đề này, anh Hiếu cho biết trước đó, anh đã phải hủy vé sang Australia do tình hình dịch bệnh phức tạp. “Lúc đặt lại thì thấy giá vé đã tăng gần gấp đôi”, anh cho biết.
Không những vậy, việc kế hoạch liên tục bị dời lại còn khiến nhiều người Việt phải tốn thêm khoản cho chi phí xét nghiệm PCR.
“Lùi lịch bay cũng đồng nghĩa với việc phải tốn thêm chi phí cho xét nghiệm Covid-19, do chính phủ chỉ chấp nhận kết quả âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành”, anh Hiếu cho biết.
Còn nhiều lo ngại
Bên cạnh đó, anh Hiếu bày tỏ lo ngại rằng với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, Australia có thể tiếp tục hoãn việc mở cửa sau ngày 15/12.
“Cứ mỗi lần dời ngày bay thì tôi lại phải hủy hoặc đổi vé. Điều đó rất tốn kém và ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch làm việc của tôi”, anh Hiếu nói.
Theo chia sẻ của anh Hiếu, cả gia đình anh hiện đã định cư ở Australia và rất cần anh vào thời điểm này. Song anh vẫn chưa thể trở lại đây do sự xuất hiện của biến chủng Omicron.
Kế hoạch của nhiều người Việt khác cũng bị đảo lộn do nhiều nước đã áp đặt lệnh hạn chế nhập cảnh để kiểm soát sự lây lan của biến chủng Omicron.
|
|
Dự định đi Nhật Bản của Thanh Phương đã nhiều lần bị hoãn lại vì Covid-19. Ảnh: NVCC. |
Chia sẻ với Zing, Phương cho biết nếu tình hình này kéo dài lâu, các kế hoạch tương lai của cô sẽ bị "đổ bể". “Khi quyết định lựa chọn du học Nhật, tôi không chỉ mong được tiếp thu kiến thức trên nhà trường, mà còn muốn có cơ hội trải nghiệm văn hóa và khám phá đất nước này nữa", cô cho biết.
Chia sẻ về quan điểm trên, Tuấn Anh cho biết nếu sau 31/12, Nhật Bản vẫn tiếp tục đóng cửa với người nước ngoài, có lẽ anh phải thay đổi kế hoạch bản thân. “Có lẽ, tôi sẽ chọn học hệ senmon (tương đương cao đẳng) để tiết kiệm thời gian, thay vì chọn học đại học như trước”.
Nói về chuyến đi sắp tới, tuy anh Duy lo sợ rằng bản thân sẽ có khả năng nhiễm virus, anh cho biết “sẽ tốt hơn nếu chính phủ Australia siết chặt các biện pháp kiểm dịch trước và sau khi hạ cánh, thay vì hoãn mở cửa biên giới”. Nhiều người Việt đã phải chờ đợi quá lâu để được quay trở lại Australia, nhưng kế hoạch của họ cứ liên tục bị gác lại, anh cho biết.
Trước thông tin Australia dời ngày mở cửa thêm 15 ngày, anh Hiếu cũng cho biết bản thân đã phải “hủy vé cũ đi và đặt lại vé sang ngày 16/12”.
“Hy vọng cuối cùng mọi thứ sẽ ổn”, anh cho biết.
Theo zingnews