San May Khine (bìa phải) tổ chức buổi chia sẻ với nữ lao động nhập cư ở Chiang Mai, Thái Lan

Tìm kiếm sức mạnh trong nghịch cảnh

San May Khine, cán bộ Dự án Giáo dục và Nhận diện của tổ chức MAP Thái Lan, chia sẻ: "Sinh ra và lớn lên ở Myanmar, tôi trở thành người giúp việc gia đình ở Thái Lan từ năm 14 tuổi. Tôi là con út trong gia đình và tôi muốn giúp đỡ bố mẹ. Hồi đó, tôi kiếm được 3.500 Baht (khoảng 100 USD) mỗi tháng. Tôi rất vui khi gửi số tiền đó phụ giúp gia đình ở Myanmar".

Tuy nhiên, theo lời của Khine, môi trường làm việc rất khắc nghiệt. Cô đã phải làm việc cả ngày mà không được nghỉ ngơi. Cô không biết mình có quyền gì nên chẳng bao giờ dám đòi hỏi chủ nhà. Sau khi làm giúp việc gia đình trong 2 năm, Khine chuyển sang làm việc ở một trang trại hoa lan và tại một công trường xây dựng. "Tôi đã có nhiều tự do hơn và kiếm được nhiều tiền hơn. Điều này đã không thể thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ của những người tốt mà tôi đã gặp ở Thái Lan", cô chia sẻ.

Việc xa gia đình và các mạng lưới cộng đồng khiến nhiều phụ nữ di cư gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ khi họ cần. Khine nhận thấy rằng sức mạnh mà cô có được nhờ trải nghiệm di cư đã cho phép cô rời bỏ người chồng bạo hành và cô muốn hỗ trợ những người khác trong cộng đồng di cư của mình thoát khỏi bạo lực trên cơ sở giới.

"Trước đây, tôi nghĩ chỉ có đàn ông mới có thể làm những việc như bảo vệ gia đình và kiếm tiền. Con gái tôi còn rất nhỏ, tôi sợ bỏ chồng nên đã chịu đựng những lời nói và hành vi bạo hành của anh ta. Tuy nhiên, một ngày nọ, tôi nhận ra rằng tôi đang làm việc như anh ta, kiếm tiền như anh ta và tôi đang bảo vệ con gái mình, có lẽ tốt hơn anh ta. Tất cả là nhờ sự độc lập về tài chính và niềm tin vào bản thân. Khi phụ nữ tự tin và hiểu rõ hơn về quyền của mình, họ sẽ sẵn sàng hơn để thoát khỏi vòng xoáy bạo lực. Vai trò của tôi là hướng dẫn họ nhận ra tiềm năng của bản thân và hỗ trợ họ thoát khỏi những khổ đau", Khine tâm sự.

San May Khine chia sẻ về cách dùng khẩu trang và các thiết bị phòng dịch Covid-19 với các nữ lao động nhập cư

Dù di cư theo các kênh chính thức hay không chính thức, phụ nữ vẫn phải đối mặt với rủi ro bị bạo lực. Lao động phi chính thức và lao động giúp việc nhà dễ bị bóc lột, bị bạo lực, cưỡng bức lao động hay buôn bán người do địa vị và bị cô lập. Những phụ nữ bị buôn bán thường bị ép làm gái mại dâm và nhiều người là nạn nhân của nạn buôn bán người. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản đối với nữ lao động di cư trong việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khoẻ, pháp lý và các dịch vụ xã hội, ngay cả khi họ đang làm việc hợp pháp tại quốc gia đó. Đồng cảm với các nạn nhân, Khine hiện là thành viên của một đội đa ngành ở tỉnh Chiang Mai có đông người nhập cư từ Myanmar. Cô làm việc với những phụ nữ nhập cư và con cái của họ, những người từng bị bạo hành và bị buôn bán người. Trong đại dịch Covid-19, các trường hợp bị bạo lực giới và cường độ bạo lực gia tăng nên cô bận rộn hơn. Khine tổ chức các phiên thảo luận với nữ lao động nhập cư về quyền của họ, quyền trẻ em.

Sẽ không dừng lại chừng nào vẫn có người cần giúp


San May Khine tham gia Chương trình "An toàn và Công bằng: Thực hiện quyền và cơ hội của nữ lao động di cư trong khu vực ASEAN" do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức. Tại Thái Lan, chương trình đang làm việc với các tổ chức xã hội dân sự địa phương ở Mae Sot, Chiang Mai và Bangkok. Mục tiêu chính của chương trình là đảm bảo di cư lao động an toàn và bình đẳng; giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương của nữ lao động di cư; tăng cường tiếp cận các gói dịch vụ thiết yếu...

Bà Kohnwilai Teppunkoonngam, Điều phối viên Chương trình Quốc gia của UN Women tại Thái Lan, cho biết: "Làm việc với những phụ nữ như cô Khine là rất quan trọng. Đã từng trải nghiệm những khó khăn, nguy hiểm, Khine biết thực tế là nữ lao động nhập cư đang sống ra sao, họ cần gì và cách tốt nhất để giúp họ".

Bản thân Khine nói rằng công việc của cô sẽ không dừng lại chừng nào vẫn có người cần cô ấy. "Tôi muốn giúp nữ lao động nhập cư và con cái của họ. Tôi cũng hỗ trợ phiên dịch cho những phụ nữ Myanmar không nói được tiếng Thái. Công việc của tôi là làm cho họ thấy thoải mái, tự tin và an toàn hơn. Sự nỗ lực của họ luôn truyền cảm hứng cho tôi. Đó là điều khiến tôi tiếp tục tiến lên, cho đến ngày mọi phụ nữ và trẻ em gái không còn bị bạo lực và là nạn nhân của buôn bán người", cô Khine nói.

Gia Khanh (Nguồn: UN Women)