Theo CNBC, dữ liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho thấy sau khi dịch Covid-19 bùng nổ hồi năm ngoái, hàng triệu lao động nông thôn Trung Quốc không quay trở lại các thành phố. Tính đến cuối tháng 3, tổng số lao động nhập cư tại các thành phố giảm 2,46 triệu người so với cùng kỳ năm 2019.
“Xu hướng di cư từ nông thôn ra thành thị đã chậm lại từ trước dịch Covid-19 và lần đầu tiên giảm vào năm 2020”, chuyên gia kinh tế Dan Wang thuộc ngân hàng Hang Seng cho biết.
Theo chuyên gia Wang, làn sóng “nhập cư ngược” sẽ tăng tốc trong những năm tới. “Lao động nhập cư không thể mua nhà ở thành thị và không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe”, nhà kinh tế này giải thích.
Trong vài thập kỷ qua, hàng chục triệu lao động nông thôn Trung Quốc đến các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải với hi vọng đổi đời. Tuy nhiên, phần lớn chỉ kiếm được những công việc có thu nhập thấp như công nhân nhà máy, hay vài năm qua trở thành nhân viên giao hàng cho các tập đoàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, chế độ hộ khẩu tại Trung Quốc khiến lao động nhập cư không thể tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục của thành phố lớn.
Các thống kê thời gian qua cho thấy thay vì di cư đến những đại đô thị như Bắc Kinh hay Thượng Hải, nhiều lao động nông thôn Trung Quốc đến làm việc tại các thành phố trong tỉnh nhà.
Sự phát triển của ngành công nghiệp livestream và làm việc từ xa góp phần thúc đẩy xu hướng nhập cư ngược ở Trung Quốc. Ảnh: CGTN.
Trong năm 2020, số lượng lao động nhập cư Trung Quốc quay trở lại nông thôn để lập nghiệp tăng 1,6 triệu người so với năm 2019. Hơn 50% dự án kinh doanh tập trung vào livestreaming và các hình thức online khác để bán sản phẩm, dịch vụ.
Đồng thời, việc nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc đang phát triển mạnh tạo điều kiện cho người lao động nông thôn có thể làm việc cho các công ty đặt trụ sở ở thành phố.
Đại diện Qingtuanshe - nền tảng tìm kiếm việc làm trên ứng dụng Alipay - cho biết số lượng người tham gia ngành công nghiệp livestream và các lĩnh vực tương tự ngày một tăng. Tỷ lệ livestreamer đến từ các khu vực đô thị loại 3, loại 4 cũng tăng vọt.
“Mỗi ngày chúng tôi nhận được khoảng 20-30 cuộc gọi, hầu hết đến từ người lao động tại các thành phố nhỏ. Họ mong muốn thảo luận về mối quan hệ đối tác giữa KOL và các thương hiệu thời trang lớn”, đại diện công ty quan hệ công chúng Vyoung cho biết.
“Dù ngành công nghiệp livestream không còn ‘dễ ăn’ với ‘ma mới’, thị trường này vẫn cần nhiều KOL đến từ các khu vực bên ngoài thành phố lớn”, Jialu Shan - chuyên gia kinh tế tại Viện Phát triển Quản lý Quốc tế Trung Quốc - nhận định.
Báo cáo từ các cơ quan chính phủ Trung Quốc cho thấy nền kinh tế kỹ thuật số đóng góp tới hơn 1/3 tổng GDP nước này. Cùng với đó, hơn 50 triệu người ở khu vực nông thôn đã tiếp cận và sử dụng Internet trong năm 2020.
Theo Zing