Nguyễn Đình Kỳ, du học sinh Việt Nam đang theo học tại Học viện Công nghệ Illinois, vốn dự định chọn những môn học trực tuyến cho kỳ học sau vì lo ngại nguy cơ nhiễm virus nếu đến lớp trực tiếp.
"Ban đầu mình định sẽ đăng ký học trực tuyến hoàn toàn để đảm bảo an toàn sức khỏe. Tuy nhiên, có một khóa học thông báo sinh viên phải tham gia học trực tiếp làm mình khá lo lắng", Kỳ nói với Zing từ Mỹ.
Dự định của Kỳ, và có thể cả kế hoạch giảng dạy của trường, bị đảo lộn sau thông báo ngày 6/7 của Cơ quan thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE). Theo đó, các sinh viên quốc tế theo diện F-1 và M-1 phải rời khỏi Mỹ nếu trường học của họ chuyển sang giảng dạy trực tuyến. Trường hợp sinh viên muốn tiếp tục ở lại Mỹ, ICE gợi ý họ cân nhắc chuyển sang học tại các trường có giảng dạy trực tiếp.
“Nếu không tuân thủ quy định mới này, sinh viên không chỉ bị trục xuất mà nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với các hậu quả nghiêm trọng liên quan đến di trú khác,” phía ICE cho biết.
Nhiều trường đại học cho biết sẽ chuyển sang giảng dạy trực tuyến hoàn toàn. Ảnh: Shutterstock.
ICE cũng ra thời hạn 10 ngày để các trường chuẩn bị và quyết định về kế hoạch giảng dạy.
Tiến thoái lưỡng nan
Chính sách mới này được đưa ra trong bối cảnh nhiều bang ở Mỹ ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới kỷ lục và nhiều cơ sở giáo dục chưa công bố kế hoạch giảng dạy. Cho đến nay, nhiều trường đại học tại Mỹ, bao gồm Đại học Harvard và hệ thống các đại học California, thông báo rằng các tất cả các khóa học sẽ được giảng dạy trực tuyến.
Tính đến cuối ngày 7/7 (giờ địa phương), Mỹ đã vượt qua cột mốc 3 triệu ca nhiễm virus corona, đồng thời Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Động thái này của chính phủ Mỹ sẽ ảnh hưởng đến hơn một triệu du học sinh hiện theo học tại Mỹ, trong đó có hơn một nửa là đến từ các nước châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ. Gần 24.000 du học sinh Việt Nam tại Mỹ cũng nằm trong diện có thể bị ảnh hưởng bởi quyết định này.
"Trước khi có quyết định của ICE, mình vốn đã định đăng ký những môn thuần về lý thuyết và chỉ yêu cầu nghe giảng để tránh phải trở lại giảng đường hay phòng thực hành, chủ yếu là để khỏi phải nơm nớp lo sợ bị lây nhiễm virus", Kỳ nói.
Đình Kỳ vẫn chưa nhận thêm thông báo mới về kỳ học mùa thu, hoang mang và lo lắng, không biết nên ở lại hay về nước.
Theo quy định mới, để được ở lại Mỹ, Kỳ buộc phải theo học các lớp được giảng dạy trực tiếp, thậm chí có thể phải chuyển sang một đại học khác để có thể học trực tiếp. Trong trường hợp này, mô hình học song song cả trực tuyến và trực tiếp trở thành một lựa chọn lý tưởng dành cho các trường đại học và du học sinh muốn ở lại Mỹ.
Một số trường đại học đang lên kế hoạch chuyển qua học song song để sinh viên có thể ở lại Mỹ.
Tuy nhiên, việc tất cả sinh viên cùng đến trường để học trực tiếp tạo ra một mối lo ngại về việc lây nhiễm dịch bệnh, nguy hiểm không chỉ cho sinh viên và giáo sư mà còn cho sức khoẻ cộng đồng.
Nếu lựa chọn về nước, bỏ qua mức giá vé máy bay đắt đỏ và những rủi ro khi bay vào thời điểm này, Kỳ phải đợi để được gọi tên lên những chuyến bay giải cứu của chính phủ.
Việt Nam, cũng như nhiều nước khác trên thế giới, vẫn đang trong trạng thái đóng cửa biên giới. Để lên được chuyến bay đó, Kỳ phải hoàn thành thủ tục, giấy tờ chỉ trong vài ngày ngắn ngủi.
Nguyễn Như Nhật Nam, du học sinh đã có 2 năm học tại Mỹ, chia sẻ rằng: “Việc về nước cấp tốc bây giờ là rất khó, trong khi nhiều du học sinh đã hết hạn visa trong tháng 7 này".
“Hiện tại nếu chỉ dựa vào các chuyến bay giải cứu thì sẽ rất khó vì các chuyến bay này rất hạn chế. Và số lượng đăng ký về nước cũng đã rất lớn rồi”, Nam nói với Zing.
Chưa kể, việc quay lại Mỹ sau này để tiếp tục việc học cũng sẽ rất khó khăn.
Thế nhưng nếu không quay về, các bạn sẽ hết hạn visa trong thời gian gần và khó có khả năng được cấp lại. Trong trường hợp xấu nhất là bị trục xuất, sẽ rất khó để có thể quay lại Mỹ sau khi đại dịch kết thúc để tiếp tục việc học.
Nguyễn Như Nhật Nam, du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Lường trước được những sự khó khăn này, Đình Kỳ còn tính đến việc xin visa các nước lân cận như Canada hay Mexico để “lánh nạn”. Chưa rõ tính khả thi của phương án này đến đâu, nhưng nó ẩn chứa nhiều rủi ro khi các nước vẫn đóng cửa biên giới, do đó việc xin visa nhập cảnh sẽ tương đối khó khăn, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy hiểm về sức khoẻ khi khu vực Mỹ Latin, bao gồm Mexico, cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Về vấn đề lây lan virus, Nhật Nam không cho rằng du học sinh các nước là nguyên nhân gây nên bùng phát dịch bệnh tại Mỹ khi rất cẩn trọng với sức khoẻ bản thân và cả sức khoẻ các công dân Mỹ: luôn đeo khẩu trang và sát khuẩn tay.
Về kinh tế, các vị phụ huynh có con du học tại Mỹ chấp nhận chi trả hàng nghìn USD hàng tháng kể cả khi các sinh viên ngồi trong nhà trọ và học qua Zoom, chỉ để đảm bảo an toàn cho con. Hàng năm, cộng đồng sinh viên quốc tế đóng góp hàng chục tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ. Các sinh viên quốc tế thường là những người đóng toàn bộ học phí đại học và đây cũng là nguồn thu chính của nhiều đại học Mỹ vào thời điểm mở cửa trở lại sau thời gian đóng cửa phòng chống dịch Covid-19.
Nhật Nam cho rằng sau những quyết định bất lợi đối với du học sinh nước ngoài như thế này, và với số tiền tương đương, các du học sinh còn rất nhiều lựa chọn giáo dục khác ở các nước phát triển khác như Anh hay các nước châu Âu, thay vì "giấc mơ Mỹ".
Sinh viên này cho rằng Mỹ sẽ thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm vì mất đi khoản thu từ du học sinh quốc tế vào những nước có "chất lượng giáo dục không thua kém nhưng quan tâm đến lợi ích của du học sinh nhiều hơn".
Theo Zing