Đối với người dân Italy, đã quá muộn để chuẩn bị bởi họ đang phải nếm trải sự kinh hoàng của đại dịch suốt nhiều tuần qua. Khi chính phủ Italy tuyên bố lệnh phong tỏa đầu tiên ở châu Âu, ít người đoán được lệnh này sẽ kéo dài đến khi nào. Thế rồi... ba tuần trở thành tám tuần, hạn chót được kéo dài hết lần này đến lần khác. Ngay cả khi Italy chuyển sang giai đoạn hai từ hôm 27/4, đất nước này đang phải chầm chậm gỡ bỏ các lệnh hạn chế và thận trọng hơn các nước khác.
Có lẽ chẳng ai thắc mắc gì bởi vì đều thấy rõ những tổn thương mà nước này phải gánh chịu trong hơn hai tháng qua. Ngay cả trong những ngày đầu phong tỏa, dễ dàng cảm nhận được cả đất nước đang căng thẳng cực độ. Khi người Italy chứng kiến tình trạng khẩn cấp y tế leo thang, họ phải chấp nhận sự thật rằng: đây là quốc gia đầu tiên ở châu Âu được yêu cầu lệnh ở nhà.
|
Quảng trưởng ở Italy vắng tanh vì lệnh phong tỏa. Ảnh:Sky News. |
Có một cuộc trò chuyện đọng lại trong tâm trí ký giả Sally Lockwood của Sky News. Sally viết, vào ngày thứ hai của lệnh phong tỏa, họ gặp Aurelio Fragapanni đang đợi bên ngoài một hiệu thuốc để lấy thuốc cho chị gái. Ông có sức hút và sự nồng ấm của người Italy. Nhưng chỉ với câu hỏi "Anh sao rồi?", ông bắt đầu bật khóc. Là một người lớn tuổi, ông nằm trong diện dễ bị nhiễm virus nhất. Sally hỏi: "Liệu ông có sợ không?", ông đáp: "Mọi thứ đều chưa được chuẩn bị".
Aurelio đã đúng. Rất ít người có thể đã chuẩn bị đủ cho hai tháng tiếp theo. Không hề có khung tham chiếu để dự đoán tình hình đại dịch. Italy trở thành quốc gia của những cái đầu tiên không mong muốn. Nước đầu tiên có bệnh viện quá tải bệnh nhân. Nước đầu tiên huy động quân đội để chở người chết. Nước đầu tiên phát động một cuộc điều tra hình sự các ca tử vong trong nhà dưỡng lão. Những điều chúng ta đang thấy thật sự... gây sốc.
Trong đúng 10 tuần, Italy mất đi 28.000 người vì Covid-19. Con số đó chưa bao gồm hầu hết những người chết tại nhà. Hơn 180 bác sĩ và y tá tử vong, hai người tự kết liễu chính mình. Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm ở Bệnh viện Spedali Civili ở Brescia, Lombardy, miêu tả chấn thương tâm lý khi làm việc trong nỗi sợ hãi cái chết. Hơn 300 đồng nghiệp của ông dương tính với virus. "Chúng tôi đang hỏi nhau ai sẽ là người tiếp theo, và tất nhiên là điều đó gây mệt mỏi tâm lý", ông nói.
|
Nhân viên thực hiện phun khử trùng tại một bảo tàng ở Naples, Italy hôm 10/3. Ảnh:AP. |
Trong những tuần đầu đại dịch ở Italy, có một tia hy vọng và sự lạc quan. Người dân Italy tập trung ở ban công và cửa sổ để hát và động viên nhau rằng "Andrà tutto bene" (Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi). Nhưng khi số ca nhiễm tăng lên, hy vọng vơi đi. Tiếng hát ngừng lại, rèm cửa được kéo kín.
Lệnh phong tỏa bị thắt chặt hơn, ngay cả việc tập thể dục cũng bị giới hạn dù là gần nhà đi nữa. Số lượng chốt kiểm soát tăng lên và ngày càng ít người ra ngoài. Gần như ai được phỏng vấn đều nói đang giải quyết những khó khăn cá nhân. Một người đàn ông đã nghỉ hưu ngồi đơn độc giữa quảng trường của Rome. "Đối với một ông già độc thân thì điều này thật khó khăn. Tôi không có bạn bè. Thật buồn. Nhưng bạn biết đó, còn hơn là bị nhiễm bệnh", ông nói.
Ngay cả những người làm việc thiết yếu, được coi là may mắn, cũng đang gồng mình. Thu nhập từ lái taxi của Stefano Capelli đã giảm xuống 30 euro một ngày. Ký giả hỏi liệu ông có thể sống được bao lâu với số tiền đó, ông đáp: "Chắc là một tháng. Chắc vậy". Nếu dự đoán của ông chính xác, ông hết tiền vào khoảng 3 tuần trước.
Lệnh phong tỏa, đóng cửa biên giới, và hạn chế di chuyển đang gây thiệt hại cho nền kinh tế của Italy. Người dân nước này nhận ra rằng cuộc sống bình thường mà họ từng biết sẽ không thể tiếp diễn trở lại sớm. Điều này còn rõ ràng hơn khi thấy các điều kiện chi tiết để gỡ bỏ lệnh hạn chế được đưa ra bởi chính phủ. Giá khẩu trang đã được bình ổn nhưng đang có nhiều tranh cãi về việc liệu có nên bắt buộc người dân phải đeo khi ra ngoài không. Việc này là bắt buộc khi đi phương tiện công cộng, trong các cửa hàng, và công sở.
Italy chứng kiến virus lây lan ở tốc độ kinh hoàng và cuộc chiến đau đớn chậm chạp cần thiết để đưa tình hình vào tầm kiểm soát.
|
Chim bồ câu bay qua quảng trường quạnh quẽ giữa lúc Milan bị phong tỏa. Ảnh:DPA. |
Sự ấm áp đặc trưng của người Italy bị thay thế bởi những không gian gây ám ảnh. Ngay cả việc đeo khẩu trang cũng dập tắt tinh thần của người dân. Đây dường như là điều không tưởng trong một vài tháng trước. Nhưng thật khó để tưởng tượng cuộc sống giống như trước. Sự tổn thương tinh thần của đợt dịch đầu tiên có vẻ như vẫn còn đó.
Theo Ione