Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos

Trong tuyên bố phát đi vào 16h ngày 7/10 giờ Việt Nam, Ủy ban Nobel Na Uy cho biết ủy ban này "đã quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2016 cho Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos vì những nỗ lực kiên định của ông nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm qua, một cuộc chiến cướp đi sinh mạng của ít nhất 220.000 người Colombia và khiến 6 triệu người bị mất nhà cửa".

Năm nay, số lượng ứng viên cho giải Nobel Hòa bình đạt con số kỷ lục: 376. Trong đó, 228 ứng viên là cá nhân và 148 là các tổ chức.

Nobel Hòa Bình là giải Nobel thứ 4 trong số 6 được công bố trong mùa giải năm nay, sau các giải Nobel Y học , Vật lý và Hóa  học được công bố ngày 3, 4/10 và 5/10. Hai giải Nobel còn lại và Kinh tế và Văn học dự kiến sẽ được công bố vào tuần tới.

Các giải Nobel do Alfred Nobel, một doanh nhân và là nhà phát minh người Thụy Điển sáng lập. Giải Nobel đầu tiên được trao tặng lần đầu tiên vào năm 1901, năm năm sau khi ông Nobel qua đời.

Ban đầu giải thưởng chỉ có 5 hạng mục bao gồm các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y học, Văn học và Hòa bình. Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đã đưa thêm vào một giải về lĩnh vực kinh tế.

Theo nguyện vọng của Nobel, giải Nobel Hòa bình được quyết định bởi Ủy ban Giải Nobel Na Uy do Quốc hội Na Uy lập ra. Trong khi đó, các giải Nobel khác được trao tại Thụy Điển và do Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển quyết định.

Giải Nobel Hòa bình được trao hàng năm vào ngày 10/12, ngày mất của Alfred Nobel, tại thủ đô Oslo của Na Uy, trong khi các giải khác được trao ở Stockholm, Thụy Điển.

 Mỗi giải thưởng Nobel bao gồm một huy chương vàng, một giấy chứng nhận và số tiền thưởng trị giá 8 triệu Kronor Thụy Điển (tương đương 930.000 USD).

Giải Nobel Hòa bình

96 giải thưởng được trao tặng trong thời gian từ 1901-2015.

16 phụ nữ đã trở thành chủ nhân giải Nobel Hòa Bình.

62 là tuổi trung bình của những người đoạt giải.

Vào năm 2014, ở tuổi 17, Malala Yousafzai trở thành người trẻ nhất đoạt giải Nobel.

 

Theo Thế giới và Việt Nam