Vòng hoa của tổng thống Moon Jae In - Ảnh: AFP

 

Tổng thống Moon và hàng chục chính trị gia cấp cao - hầu hết là nam giới và chủ yếu là từ Đảng Dân chủ cầm quyền - đã gửi hoa viếng tới lễ tang của mẹ ông Ahn Hee Jung.

Cựu thống đốc Ahn Hee Jung từng là ngôi sao chính trị đang lên và là người về nhì sau ông Moon trong cuộc đua vào Nhà Xanh năm 2017. Nhưng ông Ahn đã bị kết án vào năm ngoái về tội lạm dụng quyền lực để cưỡng hiếp nữ trợ lý.

Theo AFP, ông Ahn hiện đang thụ án 3 năm rưỡi trong tù.

Sau khi ông Ahn được tạm thời ra tù để dự tang lễ, nhiều nhân vật chính trị cấp cao đã gửi lời chia buồn, trong đó có thủ tướng Chung Sye Kyun, cựu thủ tướng Lee Nak Yon và lãnh đạo đảng cầm quyền Lee Hae Chan.

Cựu ứng viên tổng thống cho phép các phương tiện truyền thông đưa tin về sự kiện này và hình ảnh một vòng hoa lớn màu trắng ở vị trí đắc địa nhất với tên Tổng thống Moon đã gây tranh cãi dữ dội.

Các nhóm hoạt động vì quyền phụ nữ và các chính trị gia cấp tiến đã phản ứng gay gắt, cho rằng động thái gửi vòng hoa của ông Moon thể hiện tư duy truyền thống của hệ thống chính trị và gửi tín hiệu cho thấy tội phạm tình dục có thể bị xem nhẹ.

"Bất kỳ thông điệp nào từ tổng thống đều là hành động quản trị, bao gồm cả lời chia buồn", nhà bình luận Choi Moon Sun viết trên báo Hankook Ilbo. Khi ông Moon gửi hoa, bà Choi nói, "không còn tổng thống nào đứng về phía phụ nữ Hàn Quốc nữa".

Jo Hye Min, phát ngôn viên Đảng Công lý (đảng đối lập), cho biết nạn nhân của ông Ahn "vẫn đang vật lộn trong cuộc sống phải đối mặt với sự sỉ nhục không ngừng".

"Rõ ràng là thông điệp và hành động của một chính trị gia không phải là của cá nhân mà là của công chúng. Chúng ta không thể không đặt câu hỏi về ý nghĩa của mỗi hành động của họ", cô Jo nói.

Văn phòng tổng thống cho biết họ gửi vòng hoa sau khi "đánh giá toàn diện tình hình".

Cuộc tranh cãi về hành động gửi hoa viếng của ông Moon diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc được xem là một trong những quốc gia có tính gia trưởng cao và có khoảng cách lương giữa nam và nữ lớn nhất trong nhóm các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và P=phát triển kinh tế (OECD).

Tại Hàn Quốc, phụ nữ chỉ chiếm 19% trong quốc hội mới được bầu, xếp thứ 116 trong bảng xếp hạng năm 2020 của Liên minh Nghị viện thế giới.

Các nạn nhân quấy rối tình dục ở Hàn Quốc thường đối mặt với áp lực phải im lặng vì sợ xấu hổ trước công chúng, nhưng tình hình đã dần thay đổi sau phong trào #MeToo diễn ra năm 2018.

Theo Tuổi Trẻ