Nhận lời mời của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Yoon Suk Yeol và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22 đến ngày 24/6.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng, đánh giá một cách tổng thể, quan hệ Việt-Hàn được xây dựng trên hai nền tảng chính là lòng tin và lợi ích đan xen.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk Yeol nhằm củng cố lòng tin và tăng cường lợi ích đan xen, đồng thời góp phần tạo xung lực mới cho hợp tác giữa hai nước trong năm 2023 trên tất cả các lĩnh vực trọng yếu.
Từ "song trùng lợi ích" đến "lợi ích đan xen"
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, hai nước đã 2 lần nâng cấp quan hệ, từ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21 (năm 2001) đến đối tác hợp tác chiến lược (năm 2009) và Đối tác chiến lược toàn diện (năm 2022).
Trong 30 năm qua, quan hệ Việt-Hàn đã phát triển nhanh chóng và có hiệu quả, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực gồm chính trị-ngoại giao, an ninh-quốc phòng, kinh tế, văn hóa, trên các tầm quan hệ song phương và đa phương.
Trạng thái hợp tác giữa hai nước đã chuyển từ “song trùng lợi ích” (overlapping) sang một mức cao hơn, đó là “lợi ích đan xen” (interwining); cộng với việc các khuôn khổ, thể chế hợp tác song phương, đa phương liên tục được củng cố, lòng tin ngày càng sâu sắc, quan hệ nhân dân ngày càng sâu đậm, quan hệ Việt-Hàn ngày càng có cơ hội phát triển.
Việc Tổng thống Yoon Suk Yeol chọn Việt Nam, nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, để tiến hành chuyến thăm và thời điểm chuyến thăm diễn ra chỉ 6 tháng sau khi hai nước vừa nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện cho thấy tính chất đặc biệt của mối quan hệ giữa hai nước.
Chuyến đi này là sự thể hiện củng cố lòng tin và tăng cường lợi ích đan xen.
Về lòng tin, các chuyến thăm, trao đổi cấp cao luôn là các biện pháp tăng cường lòng tin trước hết là qua sự trao đổi ở tầm cá nhân lãnh đạo cấp cao.
|
|
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Từ khi Tổng thống Yoon Suk Yeol lên cầm quyền hơn một năm trước, các cuộc điện đàm/gặp gỡ giữa lãnh đạo hai nước đã diễn ra và việc Tổng thống Hàn Quốc thăm Việt Nam là minh chứng sinh động cho sự coi trọng đặc biệt của Chính phủ Hàn Quốc và cá nhân ngài Tổng thống đối với quan hệ song phương. Điều này ghi thêm một dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa lãnh đạo cao cấp hai nước, từ đó mở ra sự trao đổi thăm viếng dày đặc giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân hai nước.
Về đan xen lợi ích, chắc chắn các kết quả cụ thể đạt được trong chuyến thăm lần này sẽ mở ra sự phát triển giữa hai nước trên tầm cao mới của quan hệ theo khuôn khổ mới là đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu vì lợi ích của hai nước, cũng như của người dân, địa phương và doanh nghiệp.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk Yeol diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt-Hàn phát triển đặc biệt tốt đẹp trên tất cả các mặt và do đó, chuyến thăm sẽ góp phần tạo xung lực mới cho hợp tác giữa hai nước trong năm 2023 trên tất cả các lĩnh vực trọng yếu, từ chính trị, ngoại giao đến an ninh, quốc phòng, kinh tế, giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch, lao động, giao lưu nhân dân.
|
|
Triển lãm ảnh '30 năm Hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc' do Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với Hãng thông tấn Yonhap tổ chức tháng 12/2022. (Ảnh: TTXVN). |
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc lần này diễn ra trong bối cảnh vận động địa chính trị, địa kinh tế rất phức tạp, khó lường gần đây. Vì thế, chuyến đi càng làm nổi bật tầm quan trọng của hợp tác Việt-Hàn trên các lĩnh vực gồm hợp tác giữa các nước vừa và nhỏ trong việc thượng tôn pháp luật quốc tế, giữ ổn định trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế - những cơ sở quan trọng để bảo vệ quyền lợi của các nước vừa và nhỏ cũng như để các nước này đóng góp vào việc củng cố hòa bình, ổn định và hợp tác quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn đang gia tăng, toàn cầu hóa bị thách thức bởi các vấn đề toàn cầu và chủ nghĩa bảo hộ.
Chuyến thăm cũng làm nổi bật tầm quan trọng của việc nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xây dựng và củng cố cơ chế an ninh khu vực cũng như hòa bình, thịnh vượng khu vực dựa trên sự chủ động và tích cực ngày càng cao của Việt Nam trong ASEAN, vai trò Việt Nam điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc trong 2 năm tới và chính sách ngày càng ưu tiên hợp tác với ASEAN của Hàn Quốc thông qua chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sáng kiến đoàn kết ASEAN (KASI) mà chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol vừa thông qua...
Thúc đẩy hợp tác kinh tế, giao lưu nhân dân
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam-Hàn Quốc đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực; trong đó hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư vừa là trụ cột, vừa là động lực chính thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương ngày càng phát triển.
Hàn Quốc hiện đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam; thứ hai về hợp tác phát triển (ODA), lao động và du lịch; và thứ ba về hợp tác thương mại. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN, chiếm 30% đầu tư và 50% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN.
Hai bên đã thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tài chính-ngân hàng, hạ tầng, giao thông, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, nông-lâm-ngư nghiệp, giáo dục đào tạo, văn hóa... đồng thời là những đối tác quan trọng có đóng góp tích cực trong các diễn đàn, khuôn khổ hợp tác đa phương của khu vực và quốc tế.
Việt Nam-Hàn Quốc có nhiều cơ chế, khuôn khổ hợp tác kinh tế tương đối đa dạng, bao gồm cả hợp tác đa ngành và hợp tác trong lĩnh vực chuyên môn cụ thể, ở nhiều cấp khác nhau. Các cơ chế, khuôn khổ hợp tác song phương giữa hai nước hiện đang hoạt động thuận lợi, hiệu quả, linh hoạt, giải quyết tốt những vấn đề phát sinh và nhu cầu thực tế trong từng lĩnh vực hợp tác cụ thể.
|
|
Nhân viên Samsung Việt Nam bên dây chuyền sản xuất. (Ảnh: Vietnam+) |
Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam Oh Young Ju, thời gian qua, trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, lĩnh vực đóng vai trò quan trọng nhất là hợp tác về kinh tế. Hai nước đã hợp tác trên lĩnh vực này theo những phương hướng, hình thức hiệu quả nhất để hai nền kinh tế cùng hỗ trợ phát triển, bổ sung lẫn nhau.
Trong chuyến thăm này, sẽ có hơn 200 doanh nghiệp của Hàn Quốc (trong đó bao gồm lãnh đạo của 5 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc), tháp tùng Tổng thống Yoon Suk Yeol thăm Việt Nam. Đây là số doanh nghiệp đông nhất trong các chuyến thăm nước ngoài gần đây của Tổng thống.
Hơn 200 doanh nghiệp Hàn Quốc (bao gồm lãnh đạo của 5 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc), tháp tùng Tổng thống Yoon Suk Yeol thăm Việt Nam. |
Hiện nay, bối cảnh khó khăn của khu vực và toàn cầu đã ảnh hưởng đến nền kinh tế của cả hai nước. Do vậy, việc đông đảo doanh nghiệp Hàn Quốc cùng tháp tùng Tổng thống Yoon Suk Yeol tới Việt Nam cũng như tham gia nhiều hoạt động kinh tế đa dạng trong khuôn khổ chuyến thăm là cơ hội để lãnh đạo, doanh nghiệp hai nước cùng thảo luận các hình thức, tiềm năng hợp tác mới, từ đó, thúc đẩy hơn nữa hợp tác đầu tư, thương mại.
Nhìn lại thời gian qua, hợp tác về đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc chủ yếu tập trung xoay quanh lĩnh vực sản xuất, chế tạo. Tuy nhiên, Chính phủ cũng như doanh nghiệp hai nước gần đây đã nhận thức được tầm quan trọng của việc tìm ra những dự án, lĩnh vực hợp tác mới như: ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường, chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi năng lượng. Dự kiến, trong chuyến thăm này sẽ có mặt nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc liên quan đến những lĩnh vực trên.
Trước đó, tại Đối thoại về hợp tác kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam-Hàn Quốc lần thứ 2, diễn ra chiều 10/3/2023, hai bên đã đề xuất, trao đổi, đạt được thỏa thuận về nhiều nội dung hợp tác trong 5 lĩnh vực: thương mại; năng lượng và xây dựng hạ tầng; hợp tác phát triển; công nghệ thông tin-truyền thông và đầu tư; y tế và lao động. Các thỏa thuận hợp tác đạt được là thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế mỗi bên, giúp giải quyết các khó khăn, vướng mắc, mở ra các cơ hội hợp tác kinh tế mới.
|
|
Quang cảnh Đối thoại về hợp tác kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam-Hàn Quốc lần thứ hai. (Nguồn: TTXVN) |
Nổi bật trong số đó là việc hai bên đã thống nhất cùng phối hợp để tăng cường hợp tác thương mại, trong đó có các giải pháp nhằm giảm nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc, đẩy mạnh xúc tiến hơn nữa việc xuất khẩu một số mặt hàng sang nhau trên cơ sở Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc, hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 100 tỷ USD năm 2023 và 150 tỷ USD năm 2030.
Hai bên thống nhất nhiều giải pháp nhằm giải quyết vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp hai nước gặp phải khi đầu tư sang nhau; nhất trí cùng nhau thúc đẩy đầu tư từ Hàn Quốc vào những lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như: công nghệ thông tin-truyền thông, điện khí LNG, hạ tầng, đô thị thông minh, hợp tác trong lĩnh vực phân phối và logistics.
Việt Nam-Hàn Quốc nhất trí tăng cường hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển chính thức thông qua việc sử dụng hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại, tận dụng nguồn vốn vay ODA Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) và Quỹ Xúc tiến phát triển kinh tế (EDPF).
Theo Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng, tiềm năng hợp tác song phương còn rất lớn nếu hai bên khai thác tối đa khuôn khổ quan hệ chiến lược toàn diện và nhận thức đầy đủ về chất chiến lược và toàn diện của mối quan hệ song phương. Trước mắt, hai bên cần tiếp tục khai thác tính bổ sung cho nhau của hai nền kinh tế từ góc độ nhân lực/lao động, chuỗi giá trị/chuỗi cung ứng, chuyển giao công nghệ, cân bằng thương mại…
Tiếp đó, hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới như ứng phó biển đổi khí hậu, chuyển đổi số, phát triển xanh, năng lượng sạch, ổn định chuỗi cung ứng, hợp tác công nghiệp quốc phòng, và phối hợp trong khuôn khổ hiệp định/cơ chế thương mại RCEP, CPTPP, IPEF, APEC...
|
|
Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng (ngoài cùng bên trái) trao tặng quà Tết mang đậm hương vị Việt cho gia đình đa văn hóa Việt-Hàn dịp Năm mới. (Nguồn: Vietnam+) |
Ngoài ra, hai bên cần đẩy mạnh giao lưu nhân dân (du lịch, giáo dục-đào tạo, văn hóa-xã hội, văn học-nghệ thuật, kết nghĩa địa phương, từ thiện...).
Cuối cùng, hai bên mở rộng không gian hợp tác trên phạm vi khu vực và toàn cầu, tập trung vào các vấn đề hòa bình, hợp tác, ổn định khu vực; thượng tôn pháp luật, củng cố chủ nghĩa đa phương, giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống và các điểm nóng khu vực...
Hiện nay, cộng đồng hơn 250.000 người Việt Nam ở Hàn Quốc và khoảng 200.000 người Hàn Quốc ở Việt Nam là cơ sở con người vô cùng quan trọng cho quan hệ song phương Việt-Hàn.
|
|
Khách đến Lễ hội Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc-Việt Nam 2022. (Nguồn: Vietnam+) |
Nguồn tiềm năng này nếu được khai thác tốt sẽ góp phần củng cố quan hệ trên những lĩnh vực sau:
Một là tăng cường hiểu biết lẫn nhau: từng cá nhân đã trở thành “đại sứ nhân dân” hằng ngày quảng bá về những điểm tương đồng về văn hóa - nhất là ẩm thực, quan hệ xã hội - cho đến hoàn cảnh lịch sử, phát triển. Người Việt Nam ở Hàn Quốc dù là phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc, sinh viên, lao động, đều thành công nhất, đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội sở tại, từ đó gây thiện cảm với người dân sở tại. Cộng đồng là những người trực tiếp tạo nền tảng chính trị-xã hội cho quan hệ hai nước và là tác nhân trực tiếp của mối quan hệ giao lưu nhân dân và địa phương hai bên.
Hai là tạo các mắt xích kết nối cho quan hệ nhà nước, doanh nghiệp và địa phương. Cộng đồng người Việt đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong kết nối thương mại/đầu tư thông qua liên kết với các đối tác Hàn Quốc-Việt Nam hoặc thông qua hoạt động kinh doanh của mình ở Hàn Quốc hoặc Việt Nam.
Lực lượng trí thức sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc đã và đang đóng vai trò lớn hơn trong việc tiếp thu kiến thức, công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc, và theo đó đóng vai trò trong quá trình chuyển giao công nghệ của Hàn Quốc. Lực lượng lao động đang góp phần giảm sức ép về thiếu nhân lực của Hàn Quốc, đồng thời cũng là lực lượng tiếp thu công nghệ, trình độ quản lý và tác phong công nghiệp để sau này về Việt Nam đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam cũng như vào các dự án đầu tư-thương mại song phương. Giao lưu nhân dân do đó ngày càng trở thành ưu tiên trong quan hệ toàn diện và chiến lược Việt-Hàn.
Theo Đại sứ Oh Young Ju, chuyến thăm lần này của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tới Việt Nam nhằm truyền tải một thông điệp quan trọng nữa, đó là hai nước tiếp tục quyết tâm thúc đẩy quan hệ nhằm hướng tới tương lai, đem lại lợi ích cho người dân, trong đó đặc biệt coi trọng việc thúc đẩy giao lưu nhân dân cũng như kiến tạo chính sách hỗ trợ thiết thực cho thế hệ trẻ hai nước./.
Theo thoidai