Năm 2019, Zhongmou (24 tuổi, Trung Quốc) đã tử vong trên đường đi cấp cứu sau khi uống thuốc giảm cân mua từ một công ty trên WeChat. Kết quả giám định pháp y cho thấy cô chết vì suy tuần hoàn cấp. Vụ việc gây rúng động dư luận suốt thời gian dài.

Zhongmou là một trong những trường hợp tử vong do dùng thuốc giảm cân có chứa sibutramine, một loại chất ức chế sự thèm ăn đã bị cấm sản xuất ở nhiều quốc gia.

Một sĩ quan cảnh sát trong tuyến đầu truy quét tội phạm thực phẩm và ma túy của Trung Quốc nói với The Paper rằng việc thêm sibutramine vào các sản phẩm giảm cân là hành vi phạm tội.

Nhiều trường hợp liên tục bị phanh phui, xử phạt song đến nay vấn nạn trên vẫn chưa chấm dứt, những kẻ sản xuất thuốc ngày càng tinh vi trong việc che giấu việc làm sai trái.

                                       Những loại thuốc giảm cân độc hại được quảng cáo tràn lan trên mạng ở Trung Quốc.


Đứng giữ lằn ranh sinh tử


Lin Yuxiu không thể quên được những tổn hại về thể chất và tinh thần khi cô sử dụng thuốc giảm cân có chứa sibutramine.

Tháng 4/2020, cô gái 17 tuổi khi đó nhìn thấy quảng cáo loại thuốc giảm cân có tên "siêu cường" trên WeChat. Với mơ ước giảm cân, cô đã mua nó với giá 328 nhân dân tệ, đều đặn uống 30 viên mỗi tháng.

"Sau một thời gian, tôi thấy cân nặng giảm rõ rệt, từ 60 kg xuống còn 48 kg. Nhưng kéo theo sau đó là loạt triệu chứng bệnh như ngộ độc gan và túi mật, tim đập nhanh, mất ngủ, trầm cảm, chán ăn và loạt tổn hại tinh thần khác", cô kể.

Giống như Lin Yuxiu, Xie Ye (23 tuổi) cũng bị ngộ độc do sibutramine.

Tháng 4/2020, Xie Ye nặng 85 kg và được một người bạn cho thuốc giảm cân dạng viên nang. Người bạn giới thiệu đó là thuốc mua trên mạng, người bán quảng cáo thuốc được "chiết xuất từ thảo dược nguyên chất" và không gây ra tác dụng phụ.

Xie Ye kể anh đã uống một viên thuốc vào khoảng 9h, khi chưa ăn sáng. Đến 10h30 phút, anh cảm thấy nhịp tim mình đập nhanh, chán ăn và toát mồ hôi lạnh.

                                         Thuốc giảm cân chứa sibutramine khiến người dùng gặp những biến chứng nguy hiểm.


Đến 13h, nhịp tim vẫn ở mức cao và anh chỉ có thể uống nước liên tục. "Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận rõ nỗi sợ khi cái chết cận kề. Sau đó, qua kiểm tra nhanh, tôi phát hiện sibutramine đã được thêm vào viên nang. Tôi lập tức báo cáo vụ việc và chia sẻ bài viết về sự nguy hại của chất này lên diễn đàn".

Tuy nhiên, điều khiến Xie Ye ngỡ ngàng là dưới bài viết, có hàng chục người hỏi anh đã mua thuốc có chứa sibutramine ở đâu vì họ muốn dùng thử để giảm cân, bất chấp nguy hiểm mà nó mang lại.

Trong 294 vụ án hình sự liên quan đến thuốc giảm cân chứa sibutramine ở Trung Quốc từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2021, phóng viên nhận thấy có 285 vụ bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "sản xuất, buôn bán thực phẩm độc hại".

Những trường hợp còn lại, các bị cáo bị buộc tội "bán thuốc giả", "sản xuất, bán hàng giả, kém chất lượng", "bán thực phẩm không đảm bảo an toàn".

Trong các vụ án nói trên, những người dùng thuốc thường gặp các triệu chứng như khô miệng, khát nước, chóng mặt, mất ngủ, tim đập nhanh, nôn mửa, hồi hộp, chán ăn, rối loạn chức năng tiêu hóa, gặp ảo giác... Nhiều người rơi vào tình trạng nguy kịch, phải vào viện điều trị khẩn cấp, có người đã tử vong.

Theo Gao Sen, luật sư của Công ty Luật Beijing Zhongwen, việc sản xuất và bán thực phẩm có chứa sibutramine nên bị kết án trong một bản án toàn diện dựa trên kiến ##thức chủ quan của thủ phạm và mục đích của hành vi.

Theo Zing