Một lao động người Thái Lan làm việc trong một trang trại ở Hàn Quốc - AFP
Người phụ nữ Campuchia tên Nuon Sokkheng (31 tuổi) được phát hiện đã tử vong trong container ngột ngạt dùng làm nơi ở cho lao động nước ngoài trong các trang trại ở thị trấn Pocheon (Hàn Quốc) vào ngày 20.12.2020.
Sau 2 tháng kể từ khi nữ lao động tên Nuon Sokkheng (31 tuổi) qua đời, các quan chức Hàn Quốc trong tuần này đã công bố kế hoạch cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nhập cư, bao gồm mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế.
Tuy nhiên, nhà chức trách vẫn không cấm các trang trại dùng container làm nơi trú ngụ cho lao động nước ngoài. “Các chủ trang trại ở đây giống như những vị vua cai trị các lao động nhập cư. Khi tôi đến thăm các trang trại, một số người chủ còn dọa giết tôi và cấm lao động nước ngoài nói chuyện với những nhà hoạt động xã hội”, mục sư Kim Dal-sung, nhà hoạt động bảo vệ quyền người lao động nước ngoài, nói với AP.
Hiện có khoảng 20.000 lao động nhập cư làm việc hợp pháp tại những trang trại ở Hàn Quốc, đa số là người Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Nepal. Đối với những người nhập cư không có giấy tờ thì họ chỉ biết dựa vào chủ lao động ngay cả khi bị ép làm việc quá sức và chỉ biết sống quanh quẩn trong trang trại.
Các nhà hoạt động xã hội cho biết lao động nước ngoài ở Pocheon làm việc 10-15 giờ mỗi ngày, chỉ được phép nghỉ 2 ngày thứ bảy mỗi tháng. Họ kiếm được khoảng 1.300-1.600 USD/tháng, thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu hợp pháp theo hợp đồng.
Với đồng lương thấp, các lao động nhập cư phải ngủ trong những container hoặc túp lều tạm bợ. Các nhà hoạt động xã hội đã phỏng vấn những lao động nước ngoài và họ cho biết cô Sokkheng chết vì làm việc quá sức và thường phải chịu đựng giá rét lúc ngủ trong những thùng container.
Một người lao động Nepal không có giấy tờ làm việc hơn 5 năm trong trang trại ở Pocheon cho AP biết anh đang tính bỏ trốn để tìm công việc ở nhà máy nhưng lo sợ bị chủ trang trại trả thù. “Tôi làm việc như nô lệ, không được nghỉ để đi tắm, thậm chí không có thời gian để uống nước. Chủ thì thường xuyên dọa nạt và hăm đánh”, người đàn ông Nepal nói.
Chỉ 10% trong số 200.000 lao động nhập cư được đưa đến Hàn Quốc theo chương trình Hệ thống Cấp phép Làm việc (EPS), làm việc trong các trang trại. Cữ mỗi 10 lao động diện EPS thì có 8 người làm việc trong các nhà máy và số còn lại làm việc trong những công trình xây dựng, ngành thủy sản và công nghiệp dịch vụ.
Trong phiên họp tại quốc hội hồi tháng 10.2020, Bộ Lao động Hàn Quốc báo cáo có 90 - 114 công nhân đã chết mỗi năm trong giai đoạn 2017-2019.
Ông Ven Linsaro, một nhà sư Phật giáo Campuchia tại Hàn Quốc, cho biết: “Tôi biết có ít nhất 19 lao động Campuchia độ tuổi 20 - 30 đã chết trong năm 2020. Trong 2 tháng đầu năm 2021, có 2 lao động Campuchia chết khi đang ngủ trong các container”. Ông Linsaro là người hỗ trợ tổ chức tang lễ và đưa tro cốt của lao động nhập cư trở về Campuchia.
Lao động người Thái Lan làm việc trong một trang trại ở Hàn Quốc - AFP
EPS được áp dụng kể từ năm 2004 nhằm thay thế hệ thống thực tập sinh trong thập niên 1990 cũng từng bị chỉ trích bóc lột sức lao động của người nước ngoài. EPS cho phép người lao động nhập cư được hưởng các quyền pháp lý cơ bản giống như người Hàn Quốc. Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội và luật sư cho rằng EPS thậm chí còn bóc lột nhiều hơn và nhốt người lao động giống như nô lệ.
Ông Choi Jung Kyu, một luật sư nhân quyền Hàn Quốc, cho biết lao động nhập cư tại các trang trại hầu như không được đảm bảo quyền lợi theo pháp luật nếu họ bị chủ ngược đãi, ăn cắp tiền lương, không được bồi thường nếu bị thương lúc làm việc và ít được tiếp cận với dịch vụ y tế.
Bên cạnh đó, lao động nước ngoài còn phải đóng 90 - 270 USD/tháng (thường bị trừ vào tiền lương) để ở trong những túp lều tạm bợ tồi tàn hoặc container.
Theo thanhnien