Bé Yan tự tiêm nội tiết tố tăng chiều cao vào bụng mỗi đêm. Ảnh: SCMP
Sợ con bị thua thiệt, không ít phụ huynh Trung Quốc đang đổ rất nhiều tiền để tiêm hormone chiều cao, bất chấp những tác dụng phụ.
Cô bé Yan Yiping, 11 tuổi đến từ Cát An, tỉnh Giang Tây, tự thấy mình mạnh khỏe. Dù thấp hơn bạn bè cùng trang lứa, Yan không mấy bận tâm. Nhưng cha mẹ em nghĩ con lùn và cần phải can thiệp. "Bố mẹ nghĩ con thấp. Con thì không nghĩ thế. Ở lớp vẫn có nhiều bạn thấp hơn con", Yan chia sẻ.
Trước lúc tiêm hormone, Yan cao gần 120 cm. Trong một năm tiếp theo, mỗi đêm em tiêm một mũi theo yêu cầu của cha mẹ. Hiện tại em cao 1,31 m, mặc dù không biết là do can thiệp hay tự nhiên.
Chiều cao trung bình các bé gái cùng độ tuổi của Yan là 1,47 m, theo một báo cáo quốc gia năm 2018 của nước này.
Yan chỉ là một trường hợp trong trào lưu phụ huynh ở đất nước tỷ dân cho con dùng hormone tăng trưởng, vì lo sự thua thiệt về chiều cao có thể cản trở tương lai của con. Nguyên nhân của xu hướng này là do trẻ em lớn lên trong môi trường xã hội cạnh tranh, thu nhập và mức sống dư dả hơn giúp các gia đình dám đầu tư cho con. Đồng thời mức độ an toàn, giá thành của hormone tăng trưởng dễ tiếp cận hơn với nhiều người.
Từ năm 2003, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã phê chuẩn sử dụng hormone tăng trưởng tổng hợp cho trẻ em. Các nghiên cứu sau đó cho thấy sản phẩm này giúp trẻ em tăng được thêm 5 cm chiều cao nếu áp dụng lộ trình phù hợp trong 5,5 năm.
"Chúng tôi đã tiếp xúc rất nhiều phụ huynh yêu cầu tiêm hormone tăng trưởng cho con trong những năm gần đây. Họ lo lắng hoặc vì bản thân không cao, hoặc tin một đứa trẻ thấp bé sẽ khó tìm việc sau này", tiến sĩ Wang Xiumin từ Trung tâm y tế trẻ em Thượng Hải cho biết.
Theo bác sĩ Wang, việc bổ sung hormone tăng trưởng tổng hợp sẽ "phá vỡ cân bằng hormone trong cơ thể, làm suy giảm số lượng các hormone khác". Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ vẫn chấp nhận rủi ro còn hơn là bị coi là lùn.
Nancy Lin, một bà mẹ ở Thượng Hải đang cân nhắc cách này để tăng chiều cao cho con trai, vì lo con dễ bị bắt nạt do thấp còi nhất lớp. "Rồi đến khi lớn lên, diện mạo của con có thể không được như bạn bè cùng lứa, điều này có thể ảnh hưởng đến sự tự tin của con. Lúc trưởng thành ra ngoài xã hội, con có thể bị bỏ lại nếu không đạt được yêu cầu về chiều cao", Nancy nói.
Chiều cao trung bình của thanh thiếu niên Trung Quốc đã tăng đáng kể trong 35 năm qua do chất lượng cuộc sống được cải thiện. Cụ thể, chiều cao phụ nữ ở tuổi 19 đã tăng 5 cm và nam giới tăng 7,6 cm, từ năm 1985 đến 2019. Mức tăng chiều cao của nam giới Trung Quốc đứng đầu thế giới, còn nữ giới đứng thứ ba.
Ngành sản xuất và bán hormone tăng trưởng cũng đang tiềm năng. Quy mô của ngành ở Trung Quốc đạt 1,19 tỷ USD năm 2020, theo công ty dịch vụ tài chính Southwest Securities.
Nam giới Trung Quốc có mức tăng chiều cao lớn nhất thế giới, còn nữ giới đứng thứ ba. Ảnh: Xinhua
Dược sĩ Song Tao, Bệnh viện Nhân dân Khánh Dương, tỉnh Cam Túc, cho biết phương pháp điều trị phổ biến nhất là ở dạng lỏng, cần tiêm mỗi ngày, giá dao động từ từ 3.000 - 4.000 tệ mỗi tháng (khoảng 10,8 - 14,4 triệu đồng). Kể từ khi mở cửa 4/2019, phòng khám của cô tiếp nhận hơn 500 bệnh nhân, trong đó hơn 100 người điều trị hormone tăng trưởng.
"Thông thường, chúng tôi sẽ kê đơn thuốc nếu cha mẹ yêu cầu, trừ khi đứa trẻ thấp hơn các bạn cùng lứa vài cm hoặc mắc một bệnh lý nào đó có thể gây ra vấn đề, chẳng hạn như bệnh tiểu đường thì dùng hormone", Song nói.
Cô bé Yan cho biết mình được đưa đến bệnh viện ba tháng một lần để kê đơn mới và khám sức khỏe định kỳ. Ngoài tiền thuốc, mỗi lần đi viện mất hơn 10.000 tệ (khoảng 36 triệu đồng).
Khi được hỏi liệu chi phí đó có đáng giá không, cô bé nói: "Con xót vì quá nhiều tiền đổ vào. Nó đủ để con có thể mua được những thứ khác sử dụng được lâu dài hơn", cô bé nói.
Theo vnexpress