Ngày 18/8, tại Hà Nội, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC), Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp "Bình đẳng là thịnh vượng".


Diễn đàn nhằm chia sẻ những thực tiễn về nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và chiến lược đầu tư cho phụ nữ để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Thảo luận và chia sẻ trong diễn đàn đã thôi thúc các doanh nghiệp đưa bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vào làm trọng tâm trong các hoạt động sản xuất cũng như các thực tiễn, chính sách về trách nhiệm doanh nghiệp. Đại biểu còn bàn thảo đến các vấn đề: Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng của doanh nghiệp; Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp do nam giới làm chủ; Đầu tư cho phụ nữ là sự lựa chọn thông minh; Những bài học kinh nghiệm về thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các sáng kiến hỗ trợ cộng đồng.

Ông Phạm Quốc Mạnh - Phó Tổng giám đốc tập đoàn Phú Thái ký ủng hộ Các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (WEPs)

 

Các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (WEPs), là sáng kiến chung của UN Women và UN Global Compact, bao gồm 7 bước mà các doanh nghiệp có thể thực hiện để trao quyền cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, trên thị trường và trong cộng đồng.

Áp dụng các nguyên tắc này, các doanh nghiệp sẽ có thể tạo điều kiện để phụ nữ tham gia đầy đủ vào các hoạt động kinh tế thuộc các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau trong đời sống kinh tế. Ký các tuyên bố, các doanh nghiệp thể hiện cam kết đối với của bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch VWEC - nhấn mạnh: "Thúc đẩy cơ hội việc làm, cống hiến và thăng tiến cho phụ nữ và nam giới trong cộng đồng, nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng sẽ khai thác được tiềm năng, thế mạnh của mỗi giới. Đó chính là sự bổ sung hoàn hảo, là nền tảng để đạt được sự thịnh vượng và phát triển bền vững của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp".

Theo bà Minh, phụ nữ có ảnh hưởng đến 80% chi tiêu dùng toàn cầu. Phụ nữ sẽ là người nắm bắt nhu cầu, thị hiếu trong thiết kế sản phẩm. Phụ nữ làm CEO sẽ nắm bắt được tâm sự, tình cảm của người lao động.

Dưới sự chỉ đạo của Phòng Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong suốt chặng đường phát triển gần 20 năm qua, VWEC luôn xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của VWEC là thúc đẩy các hoạt dộng nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. VWEC tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc thông qua việc đóng góp ý kiến xây dựng và sửa đổi các luật liên quan. Bên cạnh đó, VWEC đã phối hợp với UN Women để giới thiệu và đưa Các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (WEPs) về Việt Nam năm 2012. Hiện VWEC là đối tác của UN Women thực hiện dự án WeEmpower Asia tại Việt Nam.

Từ trái sang: Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman, Chủ tịch VWEC Nguyễn Thị Tuyết Minh, Trưởng Đại diện UN WOMEN Elisa Fernandez Saenz và bà Phạm Chi Lan – Nguyên Phó Chủ tịch VCCI, chuyên gia kinh tế

 

Còn bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng Đại diện UN WOMEN chia sẻ, giữa đầu tư cho việc làm của phụ nữ và thu nhập bình quân đầu người có mối tương quan trực tiếp. Những quốc gia có tỷ lệ bình đẳng giới cao hơn sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và năng lực cạnh tranh cao hơn. Tương tự, những doanh nghiệp có tỷ lệ bình đẳng giới cao hơn sẽ có lợi nhuận cao hơn, năng suất và năng lực cạnh tranh cao hơn, có lực lượng lao động và môi trường làm việc tốt hơn.

Ngự Bình