Hai chị em sinh đôi người Ấn Độ Tripti và Pari tại nhà một người họ hàng sau khi mất cả cha lẫn mẹ trong đại dịch - AFP
Nạn nhân bị bỏ quên
Tính đến ngày 16.9, hơn 226,4 triệu người đã mắc Covid-19 và hơn 4,8 triệu người tử vong do SARS-CoV-2 trên thế giới, theo Reuters. Các con số này được thống kê và cập nhật hằng ngày.
Ngoài bệnh tật và tử vong, Covid-19 còn để lại tác động thứ cấp khác. Số lượng lớn trẻ mồ côi sau khi cha mẹ qua đời vì Covid-19 là một trong những hậu quả của đại dịch. Đây cũng là những nạn nhân đang bị thế giới bỏ quên.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí The Lancet, hơn 1,5 triệu trẻ em trên thế giới mất đi ít nhất một người chăm sóc chính (cha mẹ hoặc ông bà giám hộ) hoặc một người chăm sóc phụ (ông bà hoặc họ hàng lớn tuổi sống cùng nhà) chỉ tính từ tháng 3.2020 - 4.2021. Đây là mức độ mất mát cao chưa từng có kể từ khi HIV/AIDS lây lan ở khu vực châu Phi cận Sahara vào năm 2002.
Nghiên cứu có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) và nhiều nơi khác. Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu tử vong và sinh sản của 21 quốc gia chiếm 76% số ca tử vong liên quan Covid-19 trên toàn cầu.
Họ kết luận cứ mỗi 2 ca tử vong vì Covid-19 sẽ có một trẻ mất người chăm sóc và chuyện này diễn ra sau mỗi 12 giây. Vì số nam giới tử vong do Covid-19 nhiều hơn phụ nữ, số trẻ mất cha cũng nhiều hơn 2 - 5 lần so với những trẻ mất mẹ.
Các quốc gia có tỷ lệ trẻ mất người chăm sóc chính cao nhất trong nghiên cứu là Peru (1,2/100 trẻ em, tổng số 98.975 trẻ), Nam Phi (1/200 trẻ, tổng cộng 94.625 trẻ), Mexico (3/1.000 trẻ, tổng cộng 141.132 trẻ), Brazil (2/1.000 trẻ, tổng số 130.363 trẻ), Mỹ (1,5/1.000 trẻ, tổng số 113.708 trẻ) và Nga (1/1.000 trẻ, tổng số 29.724 trẻ).
Dữ liệu trên đã cho thấy tác động khủng khiếp của đại dịch Covid-19 lên trẻ em. Tuy vậy, con số trên thực tế có thể cao hơn nhiều do việc xét nghiệm SARS-CoV-2 và thống kê của các quốc gia có thể chưa đầy đủ, theo nhóm nghiên cứu.
Hỗ trợ trẻ mồ côi
Nghiên cứu cũng chỉ ra trẻ em mất người chăm sóc chính có nguy cơ gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, bạo lực thể chất, tình cảm, tình dục và nghèo đói cao hơn. Việc phải trải qua những chuyện này làm tăng nguy cơ tự tử, mang thai ở tuổi vị thành niên, mắc các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS và các bệnh mạn tính.
Những tác động trên cho thấy việc phải hỗ trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 rất cấp bách. Theo nhóm nghiên cứu, các nước có thể áp dụng chiến lược 3 bước để giải quyết vấn đề. Đầu tiên, các nước cần ngăn ngừa các ca tử vong bằng cách mở rộng tiêm chủng và xét nghiệm. Kế đến, trẻ cần người chăm sóc khác để tránh bị đưa vào trại mồ côi. Sau cùng, trẻ cần được bảo vệ trước nguy cơ nghèo đói hoặc bạo lực bằng các khoản hỗ trợ.
Nhiều quốc gia đã lập ra chương trình giúp đỡ trẻ mồ côi do Covid-19. Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 5 thông báo mỗi trẻ mất người chăm sóc vì Covid-19 sẽ nhận được 18.350 USD (hơn 400 triệu đồng). Số tiền này được trả dần sau khi đứa trẻ tròn 18 tuổi và trẻ sẽ nhận toàn bộ tiền khi được 23 tuổi.
Thống đốc 9 bang vùng đông bắc Brazil cũng họp lại vào tháng 8 và quyết định họ hàng nghèo nhận nuôi trẻ mồ côi sẽ nhận 100 USD/tháng tới khi trẻ tròn 21 tuổi. Vào tháng 3, Peru đã tuyên bố cấp 55 USD (khoảng 1,3 triệu đồng) mỗi tháng cho trẻ mất cha mẹ trong đại dịch.
Theo thanhnien