Ngày 28/5, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) cho biết, thế giới có tới 828 triệu người - tương đương 10% dân số thế giới - “đi ngủ với cái bụng đói mỗi đêm”. Trong số đó có đến hơn 2/3 là phụ nữ và trẻ em. Thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đói kém chưa từng thấy, trong đó trầm trọng nhất là khu vực Sừng châu Phi với hơn 23 triệu trẻ bị đói và bệnh tật nghiêm trọng. 

leftcenterrightdel
 Trẻ em Fiji đang chơi trong thư viện của một trường học bị hư hại do bão Winston năm 2016

Theo báo cáo mới nhất của UNICEF, hơn 7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở khu vực Sừng châu Phi tiếp tục bị suy dinh dưỡng, cần được hỗ trợ dinh dưỡng khẩn cấp; trong đó 1,9 triệu trẻ có nguy cơ tử vong do suy dinh dưỡng nặng.

Giám đốc phụ trách khu vực Đông và Nam Phi của UNICEF - ông Mohamed Fall - nhấn mạnh: cuộc khủng hoảng ở vùng Sừng châu Phi đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em. Ngoài nhu cầu dinh dưỡng, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mất an ninh và khan hiếm nước cũng gây ra những hậu quả tàn khốc đối với phụ nữ và trẻ em, làm tăng nguy cơ bạo lực giới, bóc lột và lạm dụng tình dục. Theo ông Fall, UNICEF đang cần thêm nhiều nguồn tài trợ để có thể cung cấp các dịch vụ phòng, chống suy dinh dưỡng cho hàng chục triệu trẻ em và phụ nữ nơi này. 

Ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trẻ em đang chịu tác động xấu của những cú sốc về khí hậu, môi trường. Theo báo cáo khu vực mới nhất của UNICEF, trẻ em sinh ra trong khu vực ngày nay đang phải hứng chịu các thảm họa liên quan đến khí hậu tăng gấp 6 lần so với thế hệ ông bà của mình. Trong 50 năm qua, khu vực này đã chứng kiến lũ lụt gia tăng 11 lần, bão tăng gấp 4 lần, hạn hán tăng 2,4 lần và sạt lở đất tăng 5 lần.

Tình trạng nhiệt độ tăng, nước biển dâng cao, thời tiết khắc nghiệt, bão, lũ lụt, sạt lở đất và hạn hán ngày càng tăng đang khiến hàng triệu trẻ em gặp nguy hiểm. Nhiều trẻ em và gia đình đã phải di dời nơi ở và đấu tranh để sinh tồn. Các em cũng bị hạn chế hoặc không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nước sạch và vệ sinh. 

“Tình hình của trẻ em ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương rất đáng báo động. Cuộc khủng hoảng khí hậu đang đe dọa cuộc sống của các em, khiến các em bỏ lỡ tuổi thơ và quyền được tồn tại và phát triển. Chúng ta phải cùng nhau hành động khẩn cấp để giải quyết các trở ngại chính trong quản lý rủi ro thiên tai và áp dụng các dịch vụ thông minh thích ứng với khí hậu để trẻ em có thể lớn lên trong một môi trường an toàn và lành mạnh” - bà Debora Comini - Giám đốc khu vực UNICEF Đông Á và Thái Bình Dương - cho biết. 

Các phân tích dựa trên Chỉ số rủi ro khí hậu của trẻ em (CCRI) cho thấy: khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có hơn 210 triệu trẻ em phải đối mặt với nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy; 140 triệu trẻ em có nguy cơ cao bị thiếu nước; 120 triệu trẻ em có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ven biển và 460 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí.

“Những cú sốc chồng chéo này lại kết hợp với các loại khủng hoảng khác. Cụ thể là mất an ninh lương thực, suy dinh dưỡng và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Khi đó, việc đối phó và phục hồi trở nên đặc biệt khó khăn đối với những trẻ em dễ bị tổn thương nhất, nhất là từ các cộng đồng nghèo, bị thiệt thòi và trẻ khuyết tật. Cuối cùng, những tác động này làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng mà trẻ em đã phải đối mặt, đẩy những người nghèo nhất vào cảnh nghèo hơn. Các chính phủ, doanh nghiệp và nhà tài trợ cần hành động khẩn cấp để đầu tư xây dựng các dịch vụ xã hội thông minh với khí hậu bao gồm giáo dục, y tế, cấp nước và vệ sinh môi trường, hệ thống cảnh báo sớm và bảo trợ xã hội ứng phó với khí hậu” - bà Debora Comini kêu gọi.

Theo phụ nữ TPHCM