Tại ngôi nhà nhỏ ở bờ đông Ấn Độ, G. Sonali Reddy nấu ăn, chăm sóc và dỗ các em đi ngủ như một người mẹ.

Ở tuổi 14, Sonali trở thành trụ cột gia đình. Vài năm trước, bố cô bé tự vẫn vì kinh doanh thất bát. Tháng 5 năm nay, mẹ bé mắc Covid-19 trong làn sóng đại dịch thứ 2 Ấn Độ. Bà không qua khỏi trên đường tới bệnh viện gần nhất có oxy dự trữ.

“Mẹ luôn che chở chúng cháu trước mọi sóng gió cuộc đời. Động lực duy nhất của cháu là tưởng tượng mẹ vẫn ở bên mình”, Sonali nghẹn ngào nói với New York Times.

                                                                                                Trẻ mồ côi là lời nhắc nhở về những mất mát trong đại dịch tại Ấn Độ.

Cuộc sống không bảo đảm


Sonali và các em nằm trong số hơn 3.000 trẻ em Ấn Độ mất bố mẹ vì đại dịch. Những đứa trẻ là nhân chứng sống cho thảm kịch Covid-19 đã tàn phá các gia đình và lấy đi hàng nghìn sinh mạng người dân nước này.

Chính quyền Ấn Độ tuyên bố sẽ trợ cấp 7-68 USD/tháng cho mỗi trẻ mồ côi, cùng lời hứa miễn phí lương thực và giáo dục. Thủ tướng Narenda Modi thề rằng sẽ “đảm bảo những đứa trẻ được giáo dục đàng hoàng và có cơ hội tương lai".

Tuy nhiên, nhiều người lo sợ rằng khi sự chú ý phai nhạt, trẻ mồ côi sẽ bị bỏ rơi hoặc bóc lột.

Có những em nhỏ vừa chịu tổn thương tinh thần sau cái chết của cả gia đình đã phải chật vật lấy giấy chứng tử để có trợ cấp. Nhiều em sẽ khó quay lại trường học.

                                                                                              Trẻ em Ấn Độ có nguy cơ bị bỏ rơi hoặc bóc lột nếu không được bảo vệ, giúp đỡ.


Về lâu dài, những đứa trẻ trong các gia đình nghèo ở vùng sâu vùng xa có nguy cơ gặp phải tình trạng buôn bán trẻ em hoặc tảo hôn.

Nạn buôn bán trẻ em ngày càng tràn lan ở Ấn Độ. Nhiều đứa trẻ bị bóc lột lao động hoặc lạm dụng tình dục. Quốc gia này cũng có số lượng cô dâu trẻ em lớn nhất thế giới, theo UNICEF.

Nhận làm con nuôi không phải một lựa chọn đối với nhiều trẻ mồ côi vì những điều cấm kỵ trong văn hóa. Đặc biệt, những đứa trẻ lớn hơn thường khó được nhận nuôi.

“Chính phủ đang cố gắng giữ hình tượng trước thảm kịch tại Ấn Độ. Họ chọn ra một nhóm nhỏ để chăm sóc, bỏ mặc nhiều đứa trẻ bơ vơ, không nơi nương tựa”, Medha Pande, sinh viên Luật tại Đại học Delhi, cho biết.


                                                                                               Cô bé G. Sonali Reddy một mình nuôi dạy các em khi mới 14 tuổi.


Một buổi sáng, các quan chức làng Pattapur, thuộc bang Odisha (Ấn Độ), đã đến thăm nhà Sonali. Bà ngoại cô bé đã chuyển đến sau cái chết của con gái mình.

Họ tới để gửi “tiền trợ cấp mồ côi” cho những đứa trẻ. Số tiền này vừa đủ để gia đình sống qua mùa hè. Tài khoản ngân hàng đều đứng tên các vị quan chức. Họ cũng mang tới những bao gạo lớn.

Với đôi mắt mở to, Sonali lắng nghe lời hướng dẫn sử dụng tài khoản ngân hàng từ người lớn. Các em của cô bé, Jagabalia (8 tuổi) và Bhabana (5 tuổi), đứng nhìn phờ phạc, bám sau váy chị.

Trước khi mẹ qua đời, gia đình Sonali cũng rất khó khăn. Bà Reddy đã phải mở hàng bánh kẹo ở gian nhà trước để xoay xở cuộc sống sau cái chết của chồng. Bà cho Sonali đi học thêm với số tiền ít ỏi dành dụm được.

“Các em cháu cứ đòi được đến chỗ mẹ. Khi bố mất, chúng cháu đã nghĩ: ‘Ít nhất mẹ vẫn ở đây’. Giờ đại dịch đã khiến mẹ ra đi mãi mãi”, cô bé kể lại.


                                                                                              Dù được chính quyền hỗ trợ một phần, cuộc sống của những đứa trẻ vẫn chật vật.


Một mình chăm em


Cách nhà Sonali hàng trăm dặm, ở thành phố phía nam Hyderabad (Ấn Độ), G. Sathwik Reddy (13 tuổi) một mình chăm em gái sau khi bố mẹ qua đời vì Covid-19.

Khi em gái Haanvi (3 tuổi) đòi gặp bố mẹ, Sathwik chỉ bảo em: “Ngày mai họ sẽ về nhà”.

Ông Reddy, bố bọn trẻ, sở hữu một doanh nghiệp nhỏ làm hàng rào sắt cho trang trại. Như hàng triệu gia đình trung lưu Ấn Độ, họ tiết kiệm hết mức để cho con học trường tư thục.

Bà Reddy, mẹ của hai anh em, thường nấu những món gà đặc biệt cho các con vào chủ nhật và giúp Sathwik làm bài tập về nhà.

Tháng 4, bố, mẹ và bà của bọn trẻ lần lượt nhiễm virus. Với tình trạng thiếu oxy ở Ấn Độ và các bệnh viện từ chối bệnh nhân, gia đình Reddy khó có cơ hội chữa trị.

Đến khi được nhập viện, bà Reddy đã ốm nặng. Bà hôn mê và được đặt nội khí quản trong hai tuần. Phổi của ông Reddy cũng suy yếu nhanh chóng. Đến đầu tháng 5, cả ba người đều không qua khỏi.

Tại lò hỏa táng, Sathwik thoáng nhìn thấy khuôn mặt của bố mình từ phía sau một tấm nhựa. Cậu đã tê dại vì cú sốc này. Nhưng giờ đây, cậu bé chỉ dám khóc một mình khi ngủ.

“Cháu phải mạnh mẽ vì em gái”, Sathwik nói.

                                                                                              Cậu bé 13 tuổi G. Sathwik Reddy phải gồng mình, nuốt nước mắt để chăm em.


Ở miền Bắc Ấn Độ, Shawez Saifi (18 tuổi) phải nuốt ngược nước mắt trong đêm mỗi khi em gái bật dậy đòi mẹ.

Bố mẹ Shawez mắc bệnh vào tháng 4. Cậu đã đưa họ đến một bác sĩ địa phương và được đề nghị xét nghiệm Covid-19.

Nhưng với số tiền ít ỏi, tích cóp từ công việc của hai bố con Shawez, ngày một cạn kiệt, mẹ cậu quyết định rằng hai vợ chồng sẽ trở về nhà ở Murad Nagar (Ấn Độ) để dưỡng bệnh.

Bọn trẻ phải ngủ ở ngoài hiên khi bố mẹ cách ly trong nhà. Khi bệnh trở nặng, bố mẹ Shawez đến nhà họ hàng ở. Vài ngày sau, cả hai người lần lượt qua đời.

                                                                                               Anh chị em nhà Saifi không còn nơi nương tựa khi bố mẹ mất.


Khi Shawez trở về nhà, không có bố mẹ ở bên, chủ nhà đuổi cậu và các em đi vì không thể trả tiền thuê. Chú của cậu đã vay tiền để trang trải một số khoản nợ. Như vậy, Shawez và các em có thể về thu dọn đồ đạc.

Kahkashan (9 tuổi), em gái của Shawez, bị ảnh hưởng nặng nhất. Gần như ngày nào cô bé cũng nhấc máy gọi cho mẹ và nói chuyện như có người ở đầu dây bên kia.

“Mẹ ơi, khi nào thì mẹ đến? Con nhớ mẹ lắm”, cô bé nói.

Shawez cũng nhớ lại: "Ngày trước, mẹ thường gọi khi cháu đi làm và hỏi: 'Con trai, trời sắp muộn rồi. Khi nào con về nhà?'. Giờ sẽ không còn ai gọi cho cháu nữa”.

Theo Zing