Bé trai 9 tuổi điều trị ở Bệnh viện Dã chiến số 4 được các bác sĩ tổ chức sinh nhật. Mẹ em mất do COVID-19, cha phải vào bệnh viện chăm bà nội đang nguy kịch cũng vì COVID-19. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Những ngày học sinh cả nước vào năm học mới theo cách phù hợp với cuộc sống “bình thường mới”, tôi đã mong rằng bằng cách này hay cách khác, tuổi thơ của các con vẫn có những ký ức thật đẹp.

Nhưng sau khi lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo thông tin với Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân TPHCM về tình hình đầu năm học mới, những con số thương tâm, thảm khốc của dịch khiến tôi và nhiều người bàng hoàng xót xa. Trên địa bàn thành phố, có hơn 1.500 học sinh mồ côi, trong đó có hơn 490 em tiểu học, 580 em THCS, còn lại là THPT, giáo dục thường xuyên.

Hơn 1.500 học sinh mất cha, mẹ trong mùa COVID-19, con số này quá khủng khiếp và đáng buồn hơn, có thể đó chưa phải là con số cuối cùng, bởi dịch bệnh vẫn còn hăm he đoạt đi những sinh mạng. Sau tin tức buồn và xót xa ấy, tôi thấy tin TPHCM đã bắt đầu có những chính sách hỗ trợ các em học sinh mồ côi theo từng độ tuổi nhằm xoa dịu phần nào đớn đau về mặt vật chất, tinh thần cho các em, để các em có động lực tiếp tục học tập.

Nhưng cần bao nhiêu yêu thương mới đủ?

Tôi có người bạn thân sớm mồ côi, phải sống với ông bà từ nhỏ nên phần nào hiểu cảm giác thiếu tình thương cha mẹ giống như một hố sâu không đáy trong tâm hồn đứa trẻ. Dù ông bà thương yêu rất mực thì đâu đó, vẫn có những lúc chúng thèm có cảm giác được mẹ hay ba đèo trên con xe chạy bon bon đến trường, hay đơn giản là có được một bữa ăn đoàn viên.

Chính tôi cũng từng sống nhờ cậy nhà cậu mợ trong nhiều năm ba mẹ xa nhà. Những năm đó, chiếc giường nhỏ xíu chất đầy sách vở là “tổ ấm” của tôi. Dù cha mẹ gửi tôi cho cậu mợ, nhưng câu mợ bận làm cả ngày, tôi phải tự lo cho bản thân.

Những năm học cấp II như thế, không có năm nào, tôi có người thân đi họp phụ huynh. Mãi lên cấp III, ba mẹ tôi về lại nhà nhưng vì gia đình có nhiều chuyện xảy ra nên cũng không có ai đến trường nghe kết quả học tập của tôi. Nghĩ đến cảnh bạn trong lớp cứ được điểm 10 là ba mẹ thưởng, tôi ước một lần mình có cảm giác như thế, vì tôi có học giỏi nhất khối thì cũng không được thấy ba mẹ mừng vui.

Tôi cứ sống một mình, như một đứa trẻ mồ côi trong mắt bạn bè, tự quyết việc học tập của mình. Cũng may, vì các năm tôi đều học giỏi nên cũng không ai tìm cho ra người đại diện của tôi. Đến giờ, chẳng hiểu sao tôi có thể trưởng thành mà chưa phạm sai lầm dù vẫn luôn mặc cảm suốt những năm tháng đó trước câu hỏi: “Ba mẹ mày đâu?”. Ừ thì tôi có đủ ba mẹ, nhưng gia đình có những vết nứt thành ra tôi cũng cô đơn mà lớn lên.

Những đứa trẻ vẫn sẽ lớn lên theo thời gian.

Tôi đã lì lợm, đã tránh né, đã thu mình và luôn cố học giỏi chỉ vì để giành được học bổng của trường, tôi sẽ có tiền tự mua món mình thích mà không cần cậy nhờ ai. Cũng nhờ thế mà tôi sống tự lập sớm hơn bạn bè và luôn ý thức chỉ bản thân mới lo được cho mình.

Với 1.500 học sinh mồ côi vì COVID-19, tôi chỉ mong nghịch cảnh sẽ khiến các em bền gan, bền chí, thậm chí lì lợm mà lớn lên. Tôi ngày đó, vì cuộc sống khó khăn nên chỉ có một cách là phải học giỏi để thoát khỏi những tù túng mà tôi gặp mỗi ngày.

Trong đêm đọc tin, tôi gửi cho nhóm bạn thân và bàn nhau tìm cách hỗ trợ một hoặc hai đứa trẻ trong số hơn 1.500 trường hợp ấy. Chúng tôi đều gần chạm ngưỡng 30 tuổi, chưa ai lập gia đình và công việc ổn định nên việc giúp một em không quá khó.

Nhóm 6 đứa bạn chúng tôi chơi thân từ cấp III, luôn cùng suy nghĩ về chuyện làm từ thiện. Chúng tôi muốn giúp những trường hợp mình biết cụ thể và mong được đồng hành cùng con trong hành trình bé lớn lên đủ 18 tuổi. Chuyện hỗ trợ vẫn đang trong quá trình tìm kiếm, kết nối và nếu hữu duyên, chúng tôi có thể giúp đứa trẻ vơi bớt phần nào sự cô đơn và chính chúng tôi cũng có thêm người bạn mới.

Theo phunuonline