|
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt cộng đồng người Việt nhân chuyến thăm Italy, tháng 7/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Sandy Hòa Đặng - một chuyên gia gốc Việt tại Mỹ, chia sẻ với Báo TG&VN rằng bà đã gặp nhiều kiều bào lâu năm có chung trăn trở “làm thế nào để cống hiến cho quê hương, đất nước?”. Niềm mong mỏi ấy đôi lúc bị rơi vào bế tắc nhưng lại được nhân lên khi quê hương vẫy gọi…
Đây cũng là suy nghĩ của nhiều người Việt ở các nước khi nói chuyện với chúng tôi về câu chuyện “chảy máu chất xám”, hay thu hút nguồn lực trí thức kiều bào phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Đối với họ, dù ở lại hay về nước cũng không quan trọng bằng một tấm lòng thực sự hướng về quê hương...
Niềm tin “chất xám” quay về
Nhiều năm nay, tên tuổi Giáo sư người Pháp gốc Việt Trần Thanh Vân gắn liền với các hoạt động gây tiếng vang ở Việt Nam.Trong gần 30 năm, Hội Gặp gỡ Việt Nam do ông sáng lập đã tổ chức nhiều chuỗi hội nghị khoa học quốc tế làm cầu nối giao lưu khoa học giữa cộng đồng khoa học học Việt Nam và quốc tế, cũng như tổ chức thành công nhiều hoạt động như: Trường hè Vật lý, Hội thảo Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ, Hội thảo Khoa học vì hòa bình IPU, trao học bổng Odon Valllet cho học sinh, sinh viên Việt Nam…
Trong đó, Trung tâm ICISE là tâm huyết của vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc cùng các nhà khoa học có uy tín trên thế giới, đang là cầu nối đưa các nhà khoa học quốc tế đến với Việt Nam. Qua 10 năm hoạt động, trung tâm này đã đón khoảng 8.600 nhà khoa học ở 35 quốc gia, trong đó có 18 giáo sư đoạt giải Nobel; tổ chức 150 sự kiện, bao gồm 80 hội thảo quốc tế...
Dù tuổi đã cao, nhưng Giáo sư Trần Thanh Vân luôn mang tinh thần của nhà khoa học giàu nhiệt huyết và hy vọng đất nước ngày càng đi lên, trong đó có phát triển về khoa học. Đặc biệt, ông luôn giữ vững niềm tin vào đội ngũ trí thức người Việt ở nước ngoài với những người rất thành công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và mong muốn được trở về đóng góp cho đất nước.
TS. Nguyễn Thanh Mỹ cũng nổi tiếng trong giới khoa học ở nước ngoài với 280 bằng sáng chế ở Mỹ, Canada và nhiều nước trên thế giới. Ấy vậy, sau hơn 20 năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài, ông quyết định trở về Việt Nam đầu tư, xây dựng nhà máy công nghệ cao tại Trà Vinh, tạo việc làm cho lao động địa phương, đóng góp cho y tế, giáo dục...
Ông cho rằng, người Việt Nam ở nước ngoài khi về Việt Nam đầu tư, trước hết đừng nghĩ mình là Việt kiều. Ông bộc bạch: “Khi nghĩ mình là người Việt thì mọi thứ trở nên đơn giản lắm, mình sẽ sử dụng điều kiện, tiêu chuẩn của Việt Nam để sống và làm việc thì mọi thứ trở nên rất phù hợp. Kế nữa, người Việt Nam rất thông minh, nhưng còn thiếucác điều kiện để phát huy sáng tạo. Bởi vậy, chúng ta về Việt Nam đầu tư tạo môi trường, điều kiện tốt để giúp người Việt Nam thỏa sức phát huy”.
Với doanh nhân Võ Thành Đăng, thời điểm du học ở Australia và New Zealand, anh thấy rất nhiều cơ hội ở nước ngoài. Khi nhập quốc tịch Singapore vào năm 2007, anh cũng không nghĩ mình sẽ trở về Việt Nam kinh doanh. Thế nhưng, với những chuyển biến tích cực sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, suy nghĩ của anh đã thay đổi và nhìn thấy đây là cơ hội cho những người sống ở nước ngoài có thể trở về phát triển sự nghiệp ở quê hương.
Không chỉ vì ý thức tìm về nguồn cội, những cơ hội mới ở Việt Nam góp phần thôi thúc TS. Hà Hoàng Thi - một bác sĩ y khoa, nhà sinh học phân từ, từng công tác tại Đại học Y khoa Harvard quyết định trở về nước. TS. Hoàng Hà Thi hiện là Giám đốc Học viện Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI Academy) tại Trường Đại học Fulbright Việt Nam. Tại đây, anh cùng các cộng sự góp phần nâng cao năng lực khởi nghiệp cho các nhà lãnh đạo trẻ ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có các bạn trẻ năng động của Việt Nam.
Hơn nữa, lựa chọn về quê hương cũng là điều kiện để anh thực hiện những dự án đã nhen nhóm từ những năm trước như “Việt Nam quê hương tôi” - một dự án thiện nguyện hỗ trợ học sinh sinh viên nghèo đi học, hay dự án hợp tác với Viện nghiên cứu hệ gene tại Hà Nội để lập bản đồ các biến thể bệnh di truyền hiếm gặp ở các dân tộc thiểu số vùng cao Việt Nam.
|
|
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tiếp vợ chồng Giáo sư Trần Thành Vân – Lê Kim Ngọc tại trụ sở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: Dương Tiêu) |
Nhiều con đường để trở về
Có một thực tế là nhiều trí thức kiều bào đã và đang lựa chọn con đường về nước để thực hiện công việc nghiên cứu, phát triển sự nghiệp và cống hiến trí tuệ. Tuy nhiên, yêu nước không có nghĩa là cứ phải về nước để làm việc.
PGS. TS Vũ Minh Khương - giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) chính là một mẫu hình trí thức trong thời kỳ đổi mới, luôn khát khao được thử sức, góp phần xây dựng đất nước, luôn nuôi dưỡng trong tâm trí ước nguyện “góp phần làm người Việt có thể ngẩng
cao đầu”... Khi trở thành một trong 15 thành viên đóng góp tích cực của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhiệm kỳ 2016-2021 cho đến nay, ông Vũ Minh Khương luôn là người đóng góp tích cực trên nhiều diễn đàn, hội thảo trong và ngoài nước về chủ đề phát triển đất nước.
Học tập và làm việc tại Đức, TS. BS. Tạ Thị Minh Tâm tại Đại học Y Charité Berlin luôn thường trực ước mơ được đem những kiến thức tiên tiến về để phát triển lĩnh vực y tế tại Việt Nam.
Từ năm 2017, chị kết nối Đại học Y Charité Berlin và Đại học Y Hà Nội, được chính phủ Đức tài trợ trong Chương trình toàn cầu hợp tác bệnh viện, cũng như nhận được tài trợ của Tổ chức trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) để xây dựng chương trình hợp tác giữa hai trường.
Mục tiêu hàng đầu của chương trình hợp tác đó là phát triển nguồn nhân lực như giảng dạy cho sinh viên, học viên sau đại học, đào tạo bác sĩ chuyên khoa và đào tạo tiến sĩ, tăng cường nghiên cứu khoa học và góp phần hiện đại hóa ngành tâm thần tại Việt Nam.
Khi mở Công ty đào tạo Smart Learn Solutions, TS. Ngô Tuyết Mai – giảng viên tại Australia muốn cung cấp các giải pháp học tập thông minh cho các giáo viên và phụ huynh Việt Nam và tạo những chuyển biến, truyền năng lượng tích cực, giúp họ được tiếp cận với phương pháp giảng dạy mới, hiện đại của quốc tế.
Đặc biệt, trong suốt 30 năm qua, TS. Võ Tá Hân – Việt kiều tại Mỹ đã cùng cộng sự mang nhiều container sách quý về khoa học, kỹ thuật tặng các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu của đất nước.
Theo ông, tất cả kiến thức của nhân loại đều nằm trong sách vở và do đó không có gì hiệu quả hơn để giúp đất nước là chuyển kiến thức về Việt Nam, có thể giúp cho đất nước chóng giàu mạnh. Ngoài việc mang sách về nước, ông còn “chuyển giao tri thức” cho Việt Nam bằng Quỹ học bổng Võ Tá Hân, nhằm giúp đỡ những học sinh nghèo hiếu học tại các vùng sâu, vùng xa tại Việt Nam.
* * *
Như vậy, “mỗi người Việt Nam ở nước ngoài đều có cách thể hiện tình yêu đất nước khác nhau, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cá nhân”. Lời chia sẻ này của TS. Cao Thế Anh, Phó Chủ tịch Công nghệ, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ở châu Âu, đã nói thay mong mỏi của mỗi trí thức kiều bào mang trong mình dòng máu Việt.
Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định việc xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững.
Nghị quyết đặc biệt chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước với những cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận.
Sự ra đời của Nghị quyết 45-NQ/TW cùng với Đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” đã được Chính phủ ký Quyết định số 1334/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 phê duyệt, đã thể hiện sự quyết tâm cao của của Đảng, Nhà nước, của toàn hệ thống chính trị và xã hội trong việc huy động nguồn lực trí thức kiều bào tham gia phát triển đất nước trong giai đoạn mới, gắn với mục tiêu phát triển của Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.
Theo baoquocte