Nhiều người thường để lại lời nhắn trên mạng xã hội trước lúc tự tử - Ảnh: BBC

Đài BBC ngày 10-11 cho biết ông Huang Zhisheng, nhà nghiên cứu AI tại ĐH Vjire Amsterdam (Hà Lan), là người đã thành lập nhóm giải cứu trên ở Trung Quốc.

Chương trình AI chạy trên một máy tính đặt tại ĐH Vrije Amsterdam sẽ khoanh vùng các thông điệp đăng trong các mục chia sẻ bí mật (hay còn gọi là hốc cây - Tree Hole) trên mạng xã hội Weibo và đánh giá chúng theo thang điểm từ 1 đến 10.

Điểm 9 có nghĩa là thông điệp đó thuộc về một người có ý định tự tử mạnh mẽ và sẽ hành động không lâu sau khi chia sẻ trên mạng. Điểm 10 có nghĩa là họ gần như đã bắt tay vào việc kết thúc mạng sống của bản thân.

Trong những trường hợp này, các tình nguyện viên sẽ liên lạc với cảnh sát, thân nhân hay bạn bè của người đó.

Tuy nhiên, nếu điểm số thấp hơn 6 thì nhóm tình nguyện thường không can thiệp.

Một trong những vấn đề phổ biến mà nhóm giải cứu hay gặp phải là việc những người thân của người có ý định tự tử thường cho rằng trầm cảm chẳng phải là vấn đề gì to tát cần chú ý.

Chương trình AI trên từng phát hiện bài đăng của một cô gái trẻ với nội dung: "Tôi sẽ tự sát khi năm mới đến". 

Khi các tình nguyện viên liên lạc với mẹ cô gái và trình ra các bằng chứng về sự trầm cảm của cô, bà này vẫn cười mà bảo rằng con gái bà đang rất hạnh phúc nên làm gì có ý định tự tử.

Chỉ sau khi cảnh sát ngăn được cô gái không nhảy từ sân thượng xuống thì bà mẹ mới thay đổi suy nghĩ.

Chương trình máy tính dùng trí tuệ nhân tạo để phát hiện thông điệp của những người muốn tự tử trên Weibo - Ảnh: BBC

Sinh viên Li Fan chia sẻ với Đài BBC: "Tôi biết mình bị trầm cảm hồi học trung học nhưng mẹ bảo rằng 'làm gì có chuyện đó, đừng có nghĩ về nó nữa'". 

Anh Li là một trong những người mà đội cứu nguy Tree Hole đã cứu được khi có ý định tự tử sau Ngày tình nhân năm nay.

"Tôi không thể tiếp tục được nữa. Tôi bỏ cuộc" là thông điệp anh Li để lại trước khi bất tỉnh. Anh sinh viên 21 tuổi này muốn tìm cái chết vì đang nợ nần, cãi nhau với mẹ và bị trầm cảm nặng. Các tình nguyện viên không thể liên lạc trực tuyến với anh, nên quyết định gọi cảnh sát để cứu anh.

Bất chấp những thành công đã đạt được, ông Huang thừa nhận vẫn có những giới hạn trong dự án của mình. 

"Bởi vì Weibo bị giới hạn nên chúng tôi chỉ có thể truy cập khoảng 3.000 mục chia sẻ mỗi ngày. Do đó chúng tôi chỉ có thể cứu được vài người mỗi ngày và chúng tôi chọn những ca nguy cấp nhất" - ông Huang chia sẻ.

Ngoài ra, một vấn đề đau lòng mà nhóm giải cứu gặp phải là một số người được cứu sau một thời gian lại tự tử tiếp và lần này họ thành công. 

Mặc khác, các tình nguyện viên của nhóm giải cứu cũng chịu nhiều áp lực vì nhiều người được cứu đã xem nhóm là một chỗ dựa tinh thần và thường chia sẻ với họ.

"Hầu hết thời gian của tôi là dành cho việc giải cứu. Tôi phải trả lời họ ngay khi họ gửi tin nhắn cho tôi" - Li Hong, nhà tâm lý học sống tại Bắc Kinh và tham gia nhóm giải cứu được hơn 1 năm, chia sẻ.

Theo congnghe.tuoitre