Theo nguồn tin của CNBC, những thay đổi chính sách của Bắc Kinh đang tạo thêm áp lực lên nỗ lực giải quyết tình trạng thất nghiệp của đất nước, nhất là đối với 9,09 triệu sinh viên mới tốt nghiệp trong năm nay.
Hôm 24/7, Bắc Kinh yêu cầu các công ty dạy thêm chuyển thành tổ chức phi lợi nhuận và không thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán.
Các công ty dạy thêm sẽ không được dạy những môn học ở trường nếu không được phép. Các lớp học cũng không được diễn ra trong những ngày lễ, cuối tuần, ở kỳ nghỉ đông hoặc hè.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mô tả đây là "căn bệnh kinh niên". Căn bệnh xuất phát từ việc các doanh nghiệp kiếm lời trên nỗi lo lắng của cha mẹ rằng con cái họ bị bỏ lại trong một hệ thống giáo dục "học để thi".
Các công ty dạy thêm ở Trung Quốc sẽ không được dạy những môn học ở trường nếu không được phép. Ảnh: Reuters.
Mất phương hướng
Các công ty dạy thêm mất nguồn thu lớn chỉ sau một đêm. Nhiều giáo viên giảng dạy tại những công ty này mất sự nghiệp. 7 công ty dạy thêm sau giờ học - chủ yếu được niêm yết trên sàn Mỹ - thuê 250.000 giáo viên toàn thời gian và theo hợp đồng.
Trong vài tuần qua, số ứng viên tìm việc làm mới có kiến thức về giáo dục và đào tạo đã tăng vọt. Vào tháng 7, mức tăng lên đến 10,4% so với tháng trước. Trên toàn thị trường, tỷ lệ là 6,3%, theo báo cáo của trang web tuyển dụng Zhaopin.
Báo cáo chỉ ra số lượng việc làm trong ngành giáo dục đã sụt giảm. Riêng tại Bắc Kinh, mức giảm so với tháng 3 lên đến 49%. 3/4 người tìm việc trong lĩnh vực giáo dục là nữ. Nhóm ứng viên tìm việc làm mới từ 25 tuổi trở xuống cũng chứng kiến sự gia tăng lớn hơn.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên từ 16-24 tuổi đã tăng lên 16,2% trong tháng 7. Hồi tháng 6, con số là 15,4%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp nói chung tại các thành phố trên toàn quốc chỉ 5,1%.
Nhiều công ty đã cắt giảm mảng kinh doanh giáo dục liên quan đến các môn học ở lứa tuổi học sinh, theo một nhà tuyển dụng giấu tên. "Chỉ vài tháng trước, tôi còn tìm kiếm nhân sự nước ngoài cho một vị trí cấp cao trong bộ phận kinh doanh quốc tế của Huohua Siwei", người này nói với CNBC.
Các công ty dạy thêm mất nguồn thu lớn chỉ sau một đêm, nhiều giáo viên không còn việc làm. Ảnh: Reuters.
"Giờ đây, vị trí đó không còn nữa", anh nói thêm. Theo anh, những người lao động có nền tảng công nghệ thông tin có thể dễ dàng tìm được công việc mới. Nhưng phần còn lại bị "mất phương hướng".
Theo anh, hầu hết người lao động bị mất việc làm trong ngành giáo dục từng kiếm được khoảng 5.000-10.000 NDT/tháng (khoảng 769-1.538 USD). Con số này cao hơn nhiều so với mức lương trung bình hàng tháng tại các công ty tư nhân ở thành phố, theo dữ liệu chính thức.
"Những người lao động trong ngành giáo dục phải gấp rút tìm công việc mới. Nhiều người bị sa thải và chỉ nhận được 1-2 tháng lương", nhà tuyển dụng tiết lộ.
Tại một chi nhánh của Zhangmen Education, 100 nhân viên, bao gồm thực tập sinh, chỉ được thông báo nghỉ việc trước vài ngày và nhận vài ngày lương. Kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán New York hồi tháng 6, giá cổ phiếu của Zhangmen đã lao dốc 70%.
Các doanh nghiệp dạy thêm sau giờ học tại Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong vài năm qua. Mô hình được thúc đẩy bởi nhu cầu dạy và học trực tuyến vì dịch Covid-19.
Ảnh hưởng lớn
Các gã khổng lồ như TAL, New Oriental Education and Technology Group và Gaotu Techedu đã thuê một lượng lớn nhân viên mới vào năm ngoái. Con số lên tới hàng chục nghìn người. Nhưng sau cuộc trấn áp của Bắc Kinh, giá cổ phiếu của những công ty này lao dốc gần 90%, thậm chí hơn, từ mức đầu năm.
Dựa trên các con số công khai, 7 công ty dạy thêm sau giờ học tại Trung Quốc thuê 250.000 giáo viên toàn thời gian và theo hợp đồng. Nhưng những con số này cũng chỉ phản ánh một phần. Bởi nhiều doanh nghiệp lớn và nhỏ khác không công bố số lượng nhân viên.
Theo một báo cáo từ Beijing Normal University và TAL Education, ngành dịch vụ giáo dục (từ mẫu giáo đến trung học nói chung) chiếm khoảng 10 triệu việc làm ở Trung Quốc.
Theo ông Liu Xiangdong, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (có trụ sở tại Bắc Kinh), khoảng 1/3 việc làm có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách mới.
Theo công ty tư vấn giáo dục đại học Trung Quốc MyCOS, trong thập kỷ trước, giáo dục tiểu học và trung học cơ sở đã vượt lĩnh vực tài chính để trở thành ngành phổ biến nhất đối với sinh viên tốt nghiệp đại học.
Báo cáo cho biết mức lương trung bình của sinh viên tốt nghiệp cử nhân vào năm 2019 là 5.440 NDT/tháng, gần gấp đôi mức trung bình 2.815 NDT năm 2010.
Một trong những nguyên nhân chính đằng sau mức lương tăng vọt là sự tăng trưởng của các doanh nghiệp dựa trên công nghệ, bao gồm giáo dục.
Từ năm 2013 đến năm 2019, các nhà đầu tư đã rót 14,5 tỷ NDT vào những dự án kết hợp giáo dục với trí tuệ nhân tạo, theo báo cáo của Beijing Normal University và TAL Education.
Theo cô Ash Tang, trợ giảng tại một trung tâm giáo dục cỡ vừa ở Bắc Kinh, vốn góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào các công nghệ như trí tuệ nhân tạo. Điều đó đã tạo ra nhu cầu mạnh mẽ đối với sinh viên mới tốt nghiệp có nền tảng về khoa học máy tính và công nghệ thông tin.
Sau 5 năm kinh doanh giáo dục, cô Tang có ý định đổi việc vì công việc chiếm quá nhiều thời gian, khiến cô khó cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, sau cuộc trấn áp, những đồng nghiệp của cô rất khó tìm việc mới.
Một trong các rào cản là phân biệt tuổi tác ở nơi làm việc. Nhiều tin tuyển dụng tại Trung Quốc nói rõ rằng họ chỉ cân nhắc những ứng viên từ 35 tuổi trở xuống.
Theo Zing