Cơ quan giám sát Internet Trung Quốc đã xóa 13.600 video ngắn và tài khoản livestream khi chính quyền nước này tiếp tục chiến dịch chống lãng phí thực phẩm trong các chương trình phát sóng ăn uống (mukbang), theo SCMP.
Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết các tài khoản mà họ đóng lại trong tháng qua được phát hiện đã vi phạm chính sách chống lãng phí thực phẩm của chính phủ.
Mukbang nổi tiếng ở Hàn Quốc từ năm 2010, thông qua các kênh phát trực tuyến như AfreecaTV. Thể loại này cũng trở nên phổ biến ở Trung Quốc, nơi có số lượng lớn khán giả quan tâm đến các tính năng chia sẻ video ngắn và chương trình phát trực tiếp trên những nền tảng như Douyin, Kuaishou.
Ngày càng nhiều người sáng tạo nội dung livestream kiếm tiền bằng cách tiêu thụ lượng lớn thức ăn trước máy quay. Nhóm này trở thành mục tiêu bị chỉ trích sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi chấm dứt tình trạng lãng phí thực phẩm “gây sốc và đau buồn” của đất nước vào tháng trước.
|
Các nền tảng chia sẻ video ngắn như Douyin và Kuaishou hiện đưa ra lời nhắc nhở những người dùng tìm kiếm từ khóa liên quan đến mukbang và kêu gọi họ không lãng phí thức ăn. Ảnh:SCMP. |
Cuộc truy quét mới nhất của CAC đánh dấu lần đầu tiên các chương trình phát sóng ăn uống được cơ quan này đề cập một cách nổi bật trong những chiến dịch nhằm “loại bỏ nội dung bất hợp pháp và ít giá trị trên Internet ở Trung Quốc”.
Năm 2013, một năm trước khi CAC được thành lập, Bắc Kinh đã khởi động “Chiến dịch đĩa ăn sạch” nhằm hạn chế lãng phí thực phẩm trong các bữa tiệc xa hoa và chiêu đãi của quan chức chính phủ.
Trong cùng tuần mà ông Tập Cận Bình nêu rõ vấn đề, đài CCTV chỉ trích các chương trình mukbang cho thấy người tham gia tiêu thụ quá nhiều thức ăn, thậm chí giả vờ cho vào miệng rồi nhổ đi và mô tả đó là “ví dụ cực đoan về lãng phí thực phẩm”.
Đáp lại làn sóng chỉ trích, các nhà điều hành ứng dụng chia sẻ video của Trung Quốc tuyên bố sẽ xóa những clip vi phạm trên nền tảng của họ.
Kuaishou và Douyin đều đã hiển thị dòng cảnh báo phía trên kết quả tìm kiếm khi người dùng gõ các từ khóa như “biểu diễn ăn uống” hoặc “thi ăn uống” trên nền tảng của họ. Nội dung có lời nhắc nhở người dùng “trân trọng thực phẩm và giữ chế độ ăn uống hợp lý”, đồng thời “nói không với rác thải thực phẩm”.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, việc cấm một số chương trình mukbang gây nên luồng ý kiến trái chiều. Trong khi nhiều người ủng hộ chiến dịch chống lãng phí thực phẩm của chính phủ, số khác lại đặt câu hỏi về cách cơ quan quản lý xác định chương trình nào là đánh giá thực phẩm đích thực, nội dung nào không.
Trong vòng một thập kỷ, đây là lần thứ 2 chính phủ nước này phải phát động chiến dịch “sạch đĩa”. Trước đó, năm 2013, một chiến dịch tương tự cũng được phát động.
Nhiều nhà hàng của Trung Quốc đã áp dụng “chế độ đặt hàng N-1”. Thay vì một nhóm 10 người gọi 11 món ăn, họ được khuyên chỉ nên đặt 9 món.
Một số đoàn tàu của nước này cũng đã bắt đầu giới thiệu các suất ăn nhỏ hơn, trong khi nhiều trường học trên cả nước cũng đẩy mạnh việc giáo dục học sinh. Chẳng hạn, hàng trăm trường tiểu học ở Tế Nam đồng loạt treo khẩu hiệu nhắc nhở học sinh “Đừng bỏ lại thức ăn, hãy trở thành một dũng sĩ sạch đĩa”.
Theo Zing