Trung Quốc gây áp lực ngăn EU công bố báo cáo bất lợi về COVID-19? - Ảnh 1.

Người mua lẫn người bán đều đeo khẩu trang ở quầy tạp phẩm trên vỉa hè Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 24-4 - Ảnh: REUTERS

Báo cáo cuối cùng đã được công bố vào ngày 24-4, và một số chỉ trích liên quan đến Chính phủ Trung Quốc đã được sắp xếp lại hoặc bỏ ra khỏi bản báo cáo. 

Hãng tin Reuters cho rằng hành động này của Brussels là đang cố gắng để không làm quá căng thẳng mối quan hệ quốc tế vốn đã bị xáo trộn vì đại dịch COVID-19.

Bốn nguồn tin ngoại giao nói với Hãng Reuters rằng ban đầu báo cáo trên dự kiến công bố vào ngày 21-4, nhưng đã bị hoãn lại sau khi các quan chức Trung Quốc biết về báo cáo thông qua thông tin phát hiện trên tờ Politico.

Sau đó, một quan chức cấp cao Trung Quốc đã liên hệ với các quan chức châu Âu tại Bắc Kinh trong cùng ngày. Nội dung của cuộc liên lạc này là "nếu báo cáo đúng như những gì được mô tả và được công bố ngày hôm nay thì sẽ rất tệ cho quan hệ hợp tác giữa các bên", theo một thư tín ngoại giao được Reuters nhìn thấy.

Thư tín trích lời quan chức cấp cao Yang Xiaoguang của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng việc công bố báo cáo sẽ khiến Bắc Kinh "rất tức giận", đồng thời cáo buộc các quan chức EU đang cố làm hài lòng "ai đó" mà các nhà ngoại giao EU nghĩ rằng Bắc Kinh muốn ám chỉ Washington.

Kết quả là báo cáo đã bị hoãn lại như một điều tất yếu, theo 4 nguồn tin của Reuters. Ngoài ra, Reuters cho biết bản báo cáo nội bộ ban đầu với bản cuối cùng được công bố có nhiều điểm khác biệt.

Cụ thể, trên trang đầu tiên của báo cáo nội bộ được chia sẻ với các chính phủ EU ngày 20-4, bộ phận chính sách đối ngoại của EU cho biết: "Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch thông tin sai lệch toàn cầu để chuyển hướng việc đổ lỗi cho sự bùng phát của đại dịch và cải thiện hình ảnh của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế".

Trung Quốc gây áp lực ngăn EU công bố báo cáo bất lợi về COVID-19? - Ảnh 2.

Máy bay chở trang thiết bị y tế của Trung Quốc đáp xuống phi trường Hostomel ở ngoại ô Kiev (Ukraine) ngày 23-4. Trung Quốc đã sử dụng "ngoại giao khẩu trang" để làm dịu đi làn sóng chỉ trích - Ảnh: REUTERS

Bản tóm tắt báo cáo công bố ngày 24-4, đăng trên trang euvsdisinfo.eu của EU, ghi nhận "bằng chứng quan trọng về các hoạt động bí mật của Trung Quốc trên mạng xã hội" nhưng phần tài liệu tham khảo bị nhét trong 6 đoạn cuối của bản tóm tắt.

Bản này cũng quy kết sự đánh lạc hướng thông tin cho "các nguồn lực được nhà nước hậu thuẫn của các chính phủ khác nhau, bao gồm Nga và, ở mức độ thấp, là Trung Quốc".

Phái đoàn Trung Quốc tại EU vẫn chưa bình luận gì về thông tin trên, trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chưa trả lời các câu hỏi về việc báo cáo đã bị thay đổi của Hãng Reuters.

Trong khi đó, một phát ngôn viên EU chỉ lấp lửng: "Chúng tôi không bao giờ bình luận về nội dung hay nội dung bị cáo buộc của các liên lạc ngoại giao nội bộ và các liên lạc với các đối tác của chúng tôi từ những quốc gia khác". 

Một quan chức EU khác nói với Reuters rằng báo cáo đã được công bố như thường lệ và phủ nhận đã có xáo trộn trong báo cáo.

Mỹ và Trung Quốc gần đây đã có những phát biểu ăn miếng trả miếng nhau sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh giấu dịch. EU đang ở thế giữa trong sự tranh cãi lần này. 

Hiện Trung Quốc đang là đối tác thương mại hàng đầu của EU, trong khi Mỹ và Trung Quốc là thị trường thứ nhất và thứ nhì đối với hàng hóa và dịch vụ của liên minh này.

Theo tuoitre