Các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc, với hoạt động kinh doanh bùng nổ một phần nhờ chiêu trò đánh vào sự tự ti của người dùng mạng xã hội, sẽ sớm bị cấm quảng cáo thông điệp: trông bạn thật ủ dột, thiếu sáng sủa trừ khi chỉnh sửa ngoại hình.

Hôm 27/8, Cơ quan Quản lý thị trường của Trung Quốc công bố dự thảo hướng dẫn về việc điều chỉnh quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ nhằm "bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng". Dự thảo sẽ đón nhận các phản hồi, góp ý trong vòng một tháng.

Dự thảo đề xuất chấm dứt kiểu quảng cáo xoáy sâu vào các "lo lắng về ngoại hình" bằng cách gợi ý rằng vẻ đẹp bên ngoài là chìa khóa dẫn đến thành công và những người không hấp dẫn theo tiêu chuẩn truyền thống là những người trông "kém cỏi, ủ dột, tối tăm". Cơ quan quản lý dự định cấm quảng cáo các loại thuốc và thiết bị được hứa hẹn là đảm bảo tính hiệu quả và an toàn của ca phẫu thuật nhưng thực tế chưa được phê duyệt; đồng thời cấm hình thức sử dụng ảnh so sánh trước - sau phẫu thuật của bệnh nhân.

Trung Quốc cấm 'body shaming' trong quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: Sixth Tone


Được thúc đẩy một phần bởi mong muốn của khách hàng về việc chụp ảnh 'tự sướng' đẹp như những người nổi tiếng, ngành công nghiệp thẩm mỹ của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây, với việc người tiêu dùng ngày càng lựa chọn các phương pháp điều trị dao kéo để tái tạo khuôn mặt và cơ thể. Theo công ty tư vấn iResearch, thị trường này được dự đoán tăng lên 300 tỷ nhân dân tệ (46 tỷ USD) vào năm 2023 và phục vụ cho hơn 25 triệu người tiêu dùng.

Nhưng việc giám sát của chính quyền không theo kịp tốc độ tăng trưởng của ngành này. Năm 2019, Trung Quốc có 13.000 phòng khám hợp pháp nhưng số đối thủ cạnh tranh bất hợp pháp nhiều gấp 6 lần, iResearch cho biết. Khiếu nại về các phương pháp điều trị không hiệu quả đang gia tăng. Trong khi đó, mạng xã hội tràn ngập những lời kêu gọi cần có những quy định tốt hơn sau khi xảy ra nhiều vụ bê bối chấn động, chẳng hạn như việc nữ diễn viên Gao Liu chia sẻ những bức ảnh chụp đầu mũi của cô chuyển sang màu đen sau một cuộc phẫu thuật không thành công.

Trong khi những người đam mê phẫu thuật thẩm mỹ nói rằng họ trở nên tự tin hơn sau khi trải qua các cuộc phẫu thuật, những người khác lại chỉ trích thẩm mỹ, do sự phổ biến của việc tạo ra nhiều gương mặt "na ná nhau" với mắt hai mí, mũi cao và thon, cằm nhọn bằng phẫu thuật.

"Chính phủ đã chú ý đến sự hỗn loạn của ngành phẫu thuật thẩm mỹ và họ nhận thấy quảng cáo là một trong những yếu tố chính gây ra sự hỗn loạn", Ru Xiaoshan, giám đốc trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ Yimeijing, nói với Sixth Tone. Ru cho biết có nhiều hiểu lầm rằng quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ là quảng cáo y tế.

Trung tâm Yimeijing hiện làm việc với chính quyền quận Hải Điến, Bắc Kinh trong việc ngăn chặn các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ bất hợp pháp. Trong quá trình hợp tác, họ thường bắt gặp các phòng khám quảng cáo dịch vụ của mình bằng các thuật ngữ gây hiểu lầm, chẳng hạn như sử dụng "công nghệ nano" để mô tả phẫu thuật tạo nếp gấp trên mí mắt. "Nhưng người tiêu dùng rất khó phát hiện ra rằng những điều này là bất thường", Ru nói.

Hồi tháng 7, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cấm phẫu thuật thẩm mỹ dùng cụm từ "cắt cơ bắp chân", một phương pháp điều trị không được phê duyệt, trong đó dây thần kinh chạy dọc phần cơ bên trong bắp chân của bệnh nhân bị cắt một phần, để làm khô cơ, giúp bắp chân của họ thon gọn hơn.

Theo Ione