Theo Sixth Tone, Trung Quốc từng thực hiện chặt chẽ chính sách một con trong hơn 35 năm nhằm giải quyết tình trạng quá tải dân số và xóa đói, giảm nghèo.

Nhưng vài năm trở lại đây, tình trạng già hóa dân số, giảm tỷ lệ sinh lại trở thành vấn đề đáng lo ngại.

Năm 2015, chính phủ Trung Quốc tuyên bố cho phép các cặp vợ chồng sinh tối đa 2 trẻ. Sau một thời gian tăng trưởng ngắn, tỷ lệ sinh trên toàn quốc vào năm 2016 lại giảm.

Do đó, nước này phải tiếp tục nới lỏng chính sách sinh nở, cho phép mỗi gia đình sinh tối đa 3 con.

  Chính phủ Trung Quốc khuyến khích mỗi gia đình có thể sinh tối đa 3 con nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Ảnh: New York Times.


Ngày 20/8, chính sách mới chính thức được thông qua nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh nhiều con hơn. Tuy nhiên, người dân Trung Quốc, đặc biệt là phụ nữ, lại không bị thuyết phục bởi điều này.

Trên mạng xã hội, phụ nữ xứ tỷ dân bày tỏ lo ngại về chi phí sinh hoạt, nuôi dưỡng trẻ em đắt đỏ, bất bình đẳng giới ở nơi làm việc nếu phải sinh thêm em bé.

"Tôi thậm chí còn không muốn có con, chứ đừng nói đến việc sinh 3 đứa", một dân mạng lưu lại bình luận trên Weibo, nhận được 51.000 lượt thích.

Khó cân bằng con cái và sự nghiệp


Dù tình trạng bất bình đẳng thu nhập và làm việc quá sức khá phổ biến ở một số nước, người dân Trung Quốc phải chật vật hơn hẳn do định kiến giới thường đặt phần lớn gánh nặng công việc nội trợ, nuôi con lên vai phái nữ.

Điều này đồng nghĩa rằng nữ giới khó cân bằng giữa công việc và thiên chức làm mẹ, có ảnh hưởng trực tiếp tới cơ hội sự nghiệp của họ.

Vài năm gần đây, nhiều lao động nữ đối diện với việc phân biệt đối xử ở nơi làm việc dựa trên tình trạng hôn nhân, gia đình, khó được trả tiền lương trong kỳ nghỉ thai sản đúng hạn.

  Dù được tạo điều kiện, nhiều phụ nữ trẻ ở Trung Quốc vẫn chần chừ sinh con vì áp lực kinh tế, sợ bị đối xử bất công ở nơi làm việc. Ảnh: Sup China.


Một báo cáo do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố đầu năm nay chỉ ra phụ nữ ở vài công ty phải chờ tới lượt để nghỉ sinh. Nếu mang thai trước thời hạn, họ có thể bị sa thải hoặc chịu hình thức kiểm điểm.

Vì vậy, ngày càng nhiều phụ nữ trẻ tuổi, có ý phát triển sự nghiệp mất niềm tin vào chuyện kết hôn, sinh con theo quan niệm truyền thống.

"Là một phụ nữ, tôi cảm thấy mình đang bước trên con đường hẹp, chẳng thể quay đầu", một nhóm bảo vệ quyền phụ nữ đăng tải lên Weibo để phản ứng với chính sách sinh 3 con.

Theo Sixth Tone, chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận những vấn đề này và cam kết sẽ xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tiếp tục đi làm, thiết lập thêm các cơ sở chăm sóc trẻ em.

Bên cạnh đó, các nhà chức trách cũng sẽ "triển khai các biện pháp hỗ trợ tài chính, thuế, bảo hiểm, giáo dục, nhà ở và việc làm để giảm bớt gánh nặng cho các gia đình", Tân Hoa Xã đưa tin.

Tuy nhiên, cách thức triển khai các chính sách ưu đãi ấy vẫn chưa được công bố rộng rãi, giả sử như hình phạt dành cho các công ty có sự phân biệt đối xử với các lao động nữ có con.

Thực tế, một số tỉnh, thành phố ở xứ tỷ dân đã đề ra một số biện pháp thiết thực để động viên các cặp vợ chồng sinh em bé. Ở Thượng Hải, chính quyền địa phương cho phép lao động có 10 ngày nghỉ thai sản có lương.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết còn nhiều hạn chế trong quá trình nâng tỷ lệ sinh sản toàn quốc.

Năm 2019, tỷ lệ sinh ở nước này đạt mức thấp nhất trong vòng 70 năm qua. Một năm sau, số trẻ sơ sinh tiếp tục giảm thêm 18%, đẩy xứ tỷ dân rơi vào cuộc khủng hoảng nhân khẩu học tương tự Nhật Bản và Hàn Quốc.

"Nếu chính phủ không thể đảm bảo quyền cho phụ nữ, kỳ nghỉ thai sản kéo dài 98 ngày hay 3 năm cũng chẳng quan trọng. Điều đó chẳng khác nào phá hoại sự nghiệp của họ", Xu Chao, một bác sĩ ở tỉnh Sơn Đông, nói.

Theo Zing