leftcenterrightdel
 Các quan chức từng có hành vi bạo hành gia đình sẽ không được thăng chức nằm trong nỗ lực tăng cường bảo vệ phụ nữ ở Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Các quan chức ở thành phố Tửu Tuyền thuộc tỉnh Cam Túc của Trung Quốc sẽ không được thăng chức, nếu như họ bị phát hiện từng có hành vi bạo hành gia đình. Đây là một trong những biện pháp được thành phố Tửu Tuyền áp dụng nhằm tăng cường khả năng bảo vệ phụ nữ.

Vấn nạn bạo hành phụ nữ ở Trung Quốc đang được đặc biệt quan tâm, sau vụ việc 4 người phụ nữ ở thành phố Đường Sơn thuộc tỉnh Hà Bắc bị một nhóm đàn ông lao vào tấn công dã man tại quán ăn hồi đầu năm nay. Sự việc khiến dư luận Trung Quốc vô cùng bất bình. Từ đây, lực lượng cảnh sát và tư pháp ở nhiều tỉnh thành của Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định sẽ cho thi hành các biện pháp trấn áp tội phạm và đẩy mạnh bảo vệ phụ nữ.  

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), hồi đầu năm nay, chính quyền thành phố Tửu Tuyền bắt đầu cho thi hành “Kế hoạch Triển khai Hành động Đặc biệt” yêu cầu cơ quan giám sát phòng chống tham nhũng địa phương theo dõi hồ sơ liên quan tới hành vi bạo lực gia đình của các đảng viên, cũng như xem đối tượng bị bạo hành là phụ nữ hay trẻ em. Những thông tin này sẽ được đưa ra xem xét trong quá trình bổ nhiệm hoặc thăng chức đối với quan chức trong thành phố.

Cũng theo kế hoạch trên, các ban ngành địa phương cần hợp tác với lực lượng công an, hội phụ nữ và các cơ quan khác để điều tra về những tranh chấp trong hôn nhân và gia đình, vấn nạn bạo hành gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Kế hoạch của thành phố Tửu Tuyền đã nhận được sự hoan nghênh từ cộng đồng mạng Trung Quốc trên Weibo. Nhiều người bày tỏ hy vọng kế hoạch tương tự sẽ được triển khai tại nơi họ đang sinh sống.

“Thật tuyệt, nếu như các cán bộ có đạo đức yếu kém và từng có hành vi bạo hành gia đình, làm sao chúng ta có thể tin tưởng rằng họ sẽ phục sự tốt cho người dân”, một cư dân mạng bình luận.

Tuy nhiên, theo một cá nhân giấu tên tham gia Dự án Quyền Bình đẳng tại Đại học Hong Kong, chiến dịch bảo vệ phụ nữ ở thành phố Tửu Tuyền thực chất là đang tìm cách thuyết phục người dân không ly hôn.

Các nhà phân tích cũng cho rằng chính sách mới của thành phố Tửu Tuyền rõ ràng là nỗ lực củng cố lại các giá trị cốt lõi trong gia đình để tăng tỷ lệ sinh đẻ ở Trung Quốc.

Theo China Women’s News, chính quyền thành phố Tửu Tuyền đã tiến hành điều tra hơn 1.000 trường hợp liên quan tới tranh chấp hôn nhân và gia đình. Kết quả 99/315 cặp đôi đang trong giai đoạn “30 ngày hạ hỏa” đã tái hợp.

Theo luật hôn nhân và gia đình Trung Quốc được ban hành vào tháng 1/2020, sau khi nộp đơn xin ly hôn, các cặp đôi có thời gian 30 ngày để suy nghĩ lại quyết định của cá nhân hay còn gọi là "30 ngày hạ hỏa". Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng bộ luật đã vi phạm quyền tự do hôn nhân của người dân.

Giáo sư John P. Burns tại Đại học Hong Kong nhận định chính sách của chính quyền Tửu Tuyền cho thấy đảng Cộng sản Trung Quốc đang đặc biệt quan tâm tới sự ổn định của xã hội. 

“Ổn định là ưu tiên số 1. Do đó bất cứ điều gì ảnh hưởng tới sự ổn định, dù là trong phạm vi gia đình, nơi làm việc hay làng xóm, đảng Cộng sản Trung Quốc đều không muốn”, ông Burns nói.

Cũng theo ông Burns, ông “không quá lạc quan về chính sách của thành phố Tửu Tuyền, cũng như hiệu quả ngăn chặn vấn nạn bạo hành gia đình”.

Trong khi đó, ông David Goodman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Sydney, cho rằng việc thúc đẩy các giá trị gia đình của chính quyền Bắc Kinh là một phần trong mục tiêu tăng tỷ lệ sinh đẻ, giữa lúc quốc gia này đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng.

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ sinh đẻ ở Trung Quốc trong năm 2020 đã giảm 14,9% so với một năm trước đó. Trong khi dân số Trung Quốc cũng chỉ tăng thêm 480.000 người trong năm 2021. Nhiều nhà nhân khẩu học dự báo Trung Quốc sẽ sớm bước vào giai đoạn tăng trưởng dân số âm.

Tờ People’s Daily từng đưa tin hồi tháng Ba, bà Hua Yawei, thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân vốn là quan cố vấn chính trị hàng đầu của chính phủ Trung Quốc, đã đề xuất cho phép những phụ nữ độc thân ngoài 30 tuổi sinh một con nhằm giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh đẻ ở đất nước tỷ dân sụt giảm liên tục.

Việc những bà mẹ đơn thân ở Trung Quốc sinh con “trên lý thuyết” là trái luật. Bởi đứa trẻ sẽ không được nhận “giấy khai sinh”, do chính phủ chỉ dựa vào giấy đăng ký kết hôn để cấp.

Theo infonet.vietnamnet