leftcenterrightdel
 Nhóm nam giới túm tóc người phụ nữ lôi ra ngoài và đánh đập ở Đường Sơn. Ảnh: Straits Times.
"Đáy quần là vị trí dễ tổn thương nhất trên cơ thể đàn ông", huấn luyện viên Liu Hongdou nói trong một lớp học Jiufu Boxing tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Cô quan sát các học viên nữ thay nhau đấm, đá vào bao cát, sau đó giải thích thêm bạo lực không phải mục đích cuối cùng. Việc tấn công chỉ nhằm gây đau đớn đột ngột cho đối tượng, tạo cơ hội ngắn ngủi giúp phụ nữ chạy trốn.

Hai tuần qua, huấn luyện viên võ thuật này mở lớp dạy võ tự vệ miễn phí cho phụ nữ ở Bắc Kinh. Theo SCMP, các lớp học như của Liu gia tăng nhanh chóng trên toàn Trung Quốc sau sự việc 4 cô gái bị nhóm đàn ông tấn công dã man tại một nhà hàng ở thành phố Đường Sơn, Hà Bắc vào ngày 10/6.

Đoạn phim về vụ việc nêu trên cho thấy 4 cô gái bị giật tóc, đá, tát và xô ngã xuống đất. Hai người trong số họ phải nhập viện. Chín nghi phạm, trong đó có 2 phụ nữ, bị bắt giữ. Sau đó, một phó cảnh sát trưởng bị sa thải và 5 sĩ quan bị điều tra vì có dấu hiệu bao che tội phạm.

Tuy nhiên, tất cả điều đó không thể xoa dịu sự tức giận của công chúng.

Một ngày sau khi video về sự việc nêu trên được đăng tải lên mạng xã hội, từ khóa "cách tự vệ dành cho phụ nữ" tăng lên 7 lần trên các công cụ tìm kiếm, theo Baidu Index. Trong đó, trên Weibo, có hơn 815.000 lượt tìm kiếm đối với từ khóa này.

"Đoạn video đó quá tàn nhẫn", Liu nói, cho biết thêm muốn giúp đỡ những người phụ nữ học khả năng tự vệ nhằm đề phòng tình huống bị tấn công. Ngay ngày hôm sau, cô bắt đầu quảng cáo về các lớp học tự vệ miễn phí trên mạng xã hội.

Chen, một học viên nữ trong lớp của Liu, cho biết vụ bạo hành ở Đường Sơn chính là hồi chuông cảnh tỉnh, thúc đẩy cô bắt đầu phải học võ tự vệ.

Trước đó, cô là người thiếu cảnh giác và thường xuyên đi bộ về nhà vào đêm khuya. Sự cố của 4 nạn nhân khiến cô lo sợ mình cũng gặp tình huống tương tự.
leftcenterrightdel
Những lớp học võ tự vệ dành cho nữ giới gia tăng tại Trung Quốc. Ảnh: Tom Wang. 

Không chỉ tại Bắc Kinh, phụ nữ ở nhiều địa phương khác của Trung Quốc cũng đang muốn học võ để bảo vệ bản thân.

Tại Thâm Quyến, chỉ trong buổi sáng sau khi video ở Đường Sơn được đăng tải, võ sư Tian Rong của Yutthasart Muay Thai Gym cho biết có 15 phụ nữ liên hệ với anh để hỏi về các lớp học võ tự vệ.

Muay Thái là môn thể thao chiến đấu mà Tian giới thiệu cho học viên nữ của mình. Môn võ này sử dụng đòn thế đứng cùng với nắm đấm, cùi chỏ, đầu gối và ống chân, có hiệu quả cao khi đối đầu 1-1.

"Nhưng Muay Thái không có nhiều tác dụng khi bạn bị bao vây bởi một nhóm người. Trong trường hợp đó, cách tốt nhất là bỏ chạy", anh nói.

Hầu hết võ sư đều cho rằng võ thuật không phải cách thức tối ưu để giải quyết vấn đề bạo lực đối với phụ nữ. Tại Bắc Kinh, Liu hướng dẫn các học viên của mình cách giữ bình tĩnh trong tình huống nguy hiểm.

Với sự chỉ dạy của Liu, Chen cho biết mình lựa chọn được một số mẹo hữu ích. Ví dụ, khi bị tấn công, phụ nữ hãy chạy thẳng thay vì rẽ, trừ khi phía trước là ngõ cụt.

"Chạy về trước mà không quay đầu, bạn sẽ đỡ mất thời gian. Đối thủ ở tư thế đối mặt với bạn, hắn phải quay đầu để đuổi theo, do vậy sẽ mất thêm thì giờ để xác định phương hướng", cô lý giải.

Ngoài ra, phụ nữ cũng cần tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe, rèn luyện khả năng hành động phản xạ và cách phán đoán khi có nguy hiểm.

"Tuy nhiên, phụ nữ chúng tôi không có cơ hội để luyện tập những điều nêu trên. Khi một mình rơi vào tình huống nguy hiểm, chúng tôi khó có cách nào giải quyết", cô nói.

Theo zingnews