Trong bài đăng trên website vào đầu tuần trước, Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết họ đã "phát hiện và xử lý một số trường hợp điển hình về vi phạm quy tắc dạy thêm", trước khi liệt kê 5 vụ việc liên quan, theo South China Morning Post.
Trong vụ việc ở Bắc Kinh, 5 giáo viên nhận dạy bổ túc sau giờ học - điều giờ đã bị cấm. Những người này bị nêu tên kèm thông tin ngôi trường đang làm việc và môn học họ dạy.
Các thầy, cô giáo này sau đó bị cho thôi việc.
Trung Quốc siết chặt chuyện nhồi nhét học sinh đi học thêm sau tan trường, trong nỗ lực giảm thiểu tính khốc liệt trong cuộc đua thi cử ở nước này. Ảnh: AFP.
Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, kỳ nghỉ hè sắp sửa kết thúc và học sinh chuẩn bị quay lại trường học. Vì vậy, các sở giáo dục cần tăng cường giám sát, điều tra tình trạng các trung tâm, giáo viên cố tình không làm trái quy định mới.
Theo đó, "miếng bánh béo bở" mang tên dạy thêm sau giờ học vốn ăn nên làm ra trong nhiều năm qua tại Trung Quốc đã bị cấm cửa. Trước khi có lệnh cấm, hình ảnh các "công xưởng ôn thi" vốn chật kín học sinh vùi đầu vào sách vở đến đêm khuya đã quá quen thuộc.
Vào cuối tháng 7, Quốc vụ viện Trung Quốc ra lệnh cấm chính quyền địa phương phê duyệt các công ty dạy thêm mới và buộc những trung tâm hiện tại phải đăng ký dưới tên tổ chức phi lợi nhuận.
Những nơi này cũng phải ngừng nhận vốn đầu tư nước ngoài và không được phép dạy các môn học hay chương trình giảng dạy nước ngoài vượt quá tiêu chuẩn từng năm.
Từ nhiều năm nay, các trung tâm dạy thêm, thầy cô, gia sư trở thành những người được phụ huynh săn đón. Ảnh: CNN.
Các lò luyện thi cũng không được phép hoạt động vào cuối tuần và trong dịp nghỉ lễ. Cuối cùng, chính quyền địa phương sẽ là bên quy định mức phí các cơ sở được phép áp dụng. Việc nhận dạy kèm tại nhà cũng bị cấm.
Mục tiêu của chính sách mới là tăng cường vai trò của trường học trong việc giáo dục trẻ em, đồng thời giảm áp lực học hành đè nặng lên học sinh nước này.
Sun Jin, công tác tại Khoa Giáo dục Mầm non của Đại học Giáo dục Hong Kong, cho biết các động thái này cho thấy quyết tâm của chính phủ. Việc nêu tên công khai những giáo viên, tổ chức vi phạm là biện pháp nhằm răn đe.
Các vụ việc khác do Bộ Giáo dục Trung Quốc nhắc đến bị kỷ luật vì nhiều lý do khác nhau.
Ở trường hợp ở tỉnh Chiết Giang, một người điều hành lén tổ chức mở lớp dạy thêm với 5 giáo viên, 29 học sinh. Kết quả, người này phải chịu phạt 46.000 tệ và bồi thường 46.000 tệ tiền học phí.
Hai trường hợp liên quan đến quảng cáo gây hiểu lầm hoặc định giá không phù hợp.
Trong khi đó, một trường học ở Giang Tô thì bị cảnh cáo nghiêm khắc vì không tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19. Hai trong số các quản trị viên liên quan đến vụ việc đã nhận lỗi đưa học sinh đến ký túc xá dành cho giáo viên để học.
Theo Zing