Trung Quốc tăng cường sàng lọc sớm chứng tự kỷ ở trẻ dưới 6 tuổi
Cập nhật lúc 18:11, Thứ bảy, 24/09/2022 (GMT+7)
Các chuyên gia nhấn mạnh khung thời gian điều trị đạt hiệu quả tối ưu là trước khi trẻ 6 tuổi, trong đó những trường hợp được can thiệp trước 3 tuổi sẽ có khả năng thuyên giảm tốt hơn.
Nhằm cải thiện chất lượng các dịch vụ liên quan công tác bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ, ngày 23/9, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã công bố quy trình thử nghiệm các dịch vụ can thiệp và sàng lọc bệnh tự kỷ cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Theo các chuyên gia của ủy ban trên, do không có các loại thuốc hiệu quả, phương pháp chủ yếu được ứng dụng đối với trẻ tự kỷ hiện nay là đào tạo phục hồi chức năng.
Các chuyên gia nhấn mạnh khung thời gian điều trị đạt hiệu quả tối ưu là trước khi trẻ 6 tuổi, trong đó những trường hợp được can thiệp dựa trên cơ sở khoa học trước 3 tuổi sẽ có khả năng thuyên giảm các triệu chứng và có triển vọng tốt hơn.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết các biện pháp được triển khai sẽ bao gồm giáo dục sức khỏe, sàng lọc, chẩn đoán và phục hồi chức năng, nhằm nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ về chứng tự kỷ, tăng cường sự chủ động của họ trong việc tiếp nhận các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán và can thiệp, cũng như chuẩn hóa các dịch vụ liên quan để nâng cao hiệu quả can thiệp và giảm thiểu nguy cơ xuất hiện khuyết tật tâm thần.
Cơ quan trên cũng nhấn mạnh nỗ lực nâng cao năng lực của các viện nghiên cứu y khoa và các trung tâm y tế cộng đồng, tăng cường bảo mật thông tin và bảo vệ quyền riêng tư của người bệnh, đồng thời thúc đẩy sự kết nối và chia sẻ thông tin trong công tác sàng lọc và can thiệp đối với trẻ tự kỷ.
Tự kỷ là một chứng rối loạn phát triển thần kinh, thể hiện dưới sự suy giảm các kỹ năng giao tiếp và tương tác xã hội ở các mức độ khác nhau.
Kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy tại Trung Quốc, cứ 1.000 trẻ thì có 7 trẻ mắc chứng tự kỷ./.
Theo TTXVN/Vietnam+