Qin, một người đàn ông đến từ Tây Bắc Trung Quốc, phải chia tay người yêu vì không đủ khả năng chi trả cho khoản sính lễ đến 300.000 nhân dân tệ (hơn 1 tỷ đồng) khi cả hai tính đến chuyện kết hôn. "Tôi đã hỏi người dân địa phương và được biết đây là điều bình thường. Tôi hy vọng các ngài có thể bỏ đi phong tục này", Qin viết trong phần "Thông điệp gửi các nhà lãnh đạo" trên people.com.cn, một kênh trực tuyến về khiếu nại công khai ở Trung Quốc hồi tháng trước.

Thách cưới, một phong tục quan trọng có từ xa xưa ở Trung Quốc, là khoản sính lễ nhà trai phải mang sang gia đình cô dâu để có thể tổ chức hôn lễ. Qin sống ở huyện Chính Ninh, tỉnh Cam Túc (Trung Quốc), nơi thu nhập trung bình hàng năm vào năm 2021 của một người chỉ hơn 20.000 nhân dân tệ (hơn 70,5 triệu đồng). Điều này có nghĩa là phải mất 15 năm nữa để anh tích góp đủ số tiền gia đình nhà gái yêu cầu.

Bất chấp nỗ lực của chính phủ trong việc khuyến khích đám cưới tiết kiệm trong những năm gần đây, tiền thách cưới cao vẫn là mối quan tâm của người dân Trung Quốc, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

 Năm 2021, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ giới tính ở khu vực nông thôn nước này là khoảng 108 nam trên 100 nữ. Trên toàn quốc có hơn 723 triệu nam giới so với hơn 689 triệu phụ nữ, dẫn đến tình trạng dư thừa hàng chục triệu nam giới. Việc thích con trai hơn con gái từ lâu đã xuất hiện tại Trung Quốc. Ngoài ra, việc thực hiện chính sách một con trong nhiều thập kỷ đã kiến nhiều thai nhi nữ bị phá bỏ.

 

Chính quyền huyện Chính Ninh cho biết đã đặt giới hạn sính lễ cưới là 80.000 nhân dân tệ (hơn 282 triệu đồng) cho các gia đình nông thôn và 60.000 nhân dân tệ (gần 212 triệu đồng) cho công chức. "Nhưng việc điều chỉnh giá sính lễ cao là một quá trình lâu dài và phức tạp và rất khó thay đổi bằng bất kỳ quy định cứng nhắc nào", chính quyền địa phương trả lời đề nghị trước đó của Qin.

Phát sinh nhiều vấn đề xã hội

Li Guofu, ở Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cho biết, có rất nhiều đàn ông độc thân ở quê anh không thể tìm được vợ vì không đủ khả năng chi trả cho sính lễ. Li có hai con trai và là cha dượng của một cậu bé khác, anh cho biết có 3 cậu con trai nghĩa là cần chuẩn bị một khoản tiền lớn nếu muốn tất cả chúng kết hôn với phụ nữ địa phương đến từ gia đình nông thôn trung bình. "Tôi không muốn các con không thể lấy vợ trong tương lai, vì vậy tôi phải làm việc cật lực", người đàn ông nói.

Tại Ninh Thiểm, một huyện có 70.000 dân thuộc tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), các vụ kiện pháp lý liên quan đến tranh chấp sính lễ đã tăng mạnh trong những năm gần đây, từ 21 vụ vào năm 2019 lên 59 vụ vào năm ngoái, theo Yang Shanshan, công tác tại tòa án huyện Ninh Thiểm.

Giá sính lễ trung bình cũng tăng từ 76.000 nhân dân tệ (hơn 268 triệu đồng) lên 135.000 nhân dân tệ (gần 477 triệu đồng). Yang cũng lưu ý rằng tiền sính lễ cao đã góp phần gây ra nhiều vấn đề xã hội khác nhau, bao gồm cả tội phạm. "Một số phụ nữ trẻ lợi dụng mong muốn kết hôn của đàn ông, họ biến mất sau khi nhận được khoản tiền sính lễ lớn từ nhà trai. Cũng có trường hợp phụ nữ bị buôn bán từ nơi khác bán cho đàn ông địa phương để kết hôn", Yang nói.

Theo Yang, bên cạnh tỷ lệ giới tính không cân bằng, việc người cao tuổi ở các vùng nông thôn không có lương hưu và bảo hiểm y tế cũng góp phần khiến chi phí hôn nhân tăng cao. Cha mẹ chủ yếu dựa vào con cái để hưởng phúc ở tuổi xế chiều nên những quan niệm truyền thống như "nuôi con dưỡng già" vẫn còn phổ biến.

Kim Ngọc