Trung Quốc hiện có khoảng 30 triệu nam giới chưa lập gia đình - AFP
Hậu quả từ quá khứ
Theo số liệu từ cuộc điều tra dân số quốc gia lần thứ 7 do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào tuần trước, trong số 12 triệu trẻ sinh ra trong năm 2020, cứ 100 bé gái thì có 111,3 bé trai. Trong cuộc điều tra được thực hiện vào năm 2010, tỷ lệ này là 118,1 bé gái trên 100 bé trai.
Tờ South China Morning Post dẫn lời giáo sư nhân khẩu học Khương Toàn Bảo tại Đại học Giao thông Tây An cho biết: "Từ năm 1980 đến năm 2020, số bé trai được sinh ra ở Trung Quốc ước tính nhiều hơn số bé gái từ 30 - 40 triệu người".
Theo giáo sư Khương, chính sách một con của Trung Quốc có hiệu lực từ năm 1979 đến năm 2016 đã làm trầm trọng thêm hành vi phá thai để lựa chọn giới tính ở nước này, thường là chọn con trai. Ngoài ra, ông còn cho biết đàn ông độc thân thường dễ gặp vấn đề về sức khỏe, cả về thể chất lẫn tinh thần, do không có vợ con để nương nhờ lúc tuổi già.
Gặp nhiều khó khăn để tìm vợ
Trong khi đó, ông Thái Vịnh, phó giáo sư về nhân khẩu học xã hội tại Đại học Bắc Carolina (Mỹ) cho biết đàn ông thuộc các tầng lớp xã hội thấp hơn ở Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn nhất trong việc tìm vợ. Họ thường là những người đến từ các vùng nông thôn, có học vấn thấp và không có đủ khả năng để “cạnh tranh” tìm vợ.
Theo ông Thái, đàn ông độc thân ở một số nước khác sẽ đi tìm vợ ở nước ngoài, nhưng đây không phải cách giải quyết dễ dàng cho Trung Quốc bởi vì quy mô của vấn đề mà nước này đang đối mặt. Ông cho biết: “Có khoảng 20 - 30 triệu đàn ông Trung Quốc đang đi tìm vợ và con số này là nhiều hơn toàn bộ dân số của một số quốc gia”.
Học sinh tại một trường tiểu học ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông - AFP
Còn theo bà Isabelle Attane, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nhân khẩu học Pháp, tình trạng thiếu phụ nữ ở Trung Quốc đã giúp cho địa vị xã hội của họ được cải thiện đôi chút.
“Nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc bắt đầu coi trọng con gái hơn và coi con gái là chỗ dựa đáng tin cậy lúc về già”, bà Attane cho biết. Do đó, bà Isabelle Attane đã hy vọng tỷ lệ trẻ nam và nữ được sinh ra tại Trung Quốc sẽ trở nên bình thường trong một thập niên tới. Mức trung bình trên thế giới là 105 bé trai cho 100 bé gái.
Tuy nhiên, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc Bjourn Alpermann tại Đại học Julius Maximilian (Đức) lại tỏ ra kém lạc quan hơn khi nói rằng việc thay đổi thái độ xã hội sẽ cần nhiều thời gian. Theo giáo sư Alpermann: “Chỉ cần mong muốn có con trai của người dân vẫn không thay đổi thì tỷ lệ giới tính khi sinh vẫn sẽ bị lệch”.
Mặc dù cuộc điều tra dân số mới nhất của nước này cho thấy số lượng bé gái được sinh ra đã có sự tăng nhẹ, các chuyên gia vẫn cho rằng đây sẽ là vấn đề khó có thể được giải quyết sớm do lối suy nghĩ trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại ở Trung Quốc.
Theo thanhnien