Vào thế kỷ trước, một loại virus đường hô hấp mới đã làm đảo lộn nước Mỹ ở thời điểm căng thẳng nhất của Thế chiến I. Nó bắt đầu từ quân đội Mỹ và bùng phát thành đại dịch cúm giết chết 675.000 người ở quốc gia này.
Tương tự Covid-19, dịch cúm năm 1918 lây lan nhanh chóng đã làm gián đoạn cuộc sống theo những cách chưa từng có. Nó gây áp lực nặng nề lên hệ thống chăm sóc sức khỏe, xóa sạch không gian công cộng, đóng cửa các nơi làm việc và dừng mọi sự kiện xã hội.
Giống như Tổng thống Donald Trump, chính quyền của Tổng thống Woodrow Wilson đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của đại dịch. Và cũng như Trump, Wilson bị nhiễm bệnh. Một số trợ lý và nhân viên thân cận nhất của ông cũng bị mắc virus.
"Wilson chưa bao giờ đưa ra tuyến bố công khai về đại dịch. Chưa bao giờ", John M. Barry, tác giả cuốn Đại dịch cúm: Câu chuyện về đại dịch khiến nhiều người chết nhất trong lịch sử, cho biết.
Woodrow Wilson, Tổng thống Mỹ từ năm 1913 đến năm 1921.
"Để giữ vững tinh thần trong chiến tranh, chính phủ đã nói dối", Barry cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN. "Những người đứng đầu hệ thống y tế công cộng quốc gia nói những điều như: ‘Đây là bệnh cúm thông thường với tên gọi khác’. Họ đã cố gắng giảm thiểu mức độ nguy hiểm của nó. Kết quả là, nhiều người chết hơn những gì đáng lẽ có thể xảy ra", Barry nói thêm.
Wilson có rất nhiều thứ phải lo lắng trong chiến tranh thế giới, điều này khiến ông nghĩ về đại dịch một cách muộn màng. "Ông ấy mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế và phải tập trung cao độ vào thời kỳ chiến tranh", Barry nói và thêm rằng: "Không có gì khiến ông ấy phân tâm".
Nhưng Howard Markel, một bác sĩ và nhà lịch sử y học tại Đại học Michigan, không đồng ý rằng Wilson đã đánh giá thấp đại dịch. Chính phủ liên bang quá nhỏ trong thời đại đó, nó có vai trò hạn chế đối với sức khỏe cộng đồng, Markel cho biết.
Thời điểm đó, không có các cơ quan y tế liên bang như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) hay Viện Y tế Quốc gia (NIH). Vai trò của chính phủ chỉ giới hạn trong chiến tranh, thu thuế và xây dựng luật liên bang, Markel nói với CNN. Chính quyền địa phương mới đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề y tế.
Các y tá chăm sóc nạn nhân của dịch cúm năm 1918 trong lều bạt ngoài trời.
Chính quyền giữ bí mật về bệnh tình của Wilson
Chẩn đoán dương tính với Covid-19 của Trump là một yếu tố bất thường trước cuộc bầu cử tổng thống một tháng. Tổng thống Mỹ đã bác bỏ hướng dẫn của các chuyên gia về việc đeo khẩu trang và tổ chức các sự kiện đi ngược với quy tắc giãn cách xã hội, bấp chấp việc virus đã giết chết hơn 208.000 người trên khắp nước Mỹ.
Ở tuổi 74 và bị bệnh béo phì, Trump thuộc nhóm nguy cơ cao mắc các biến chứng nghiêm trọng của căn bệnh này.
Wilson mắc bệnh cúm ở tuổi 63. Trước khi nhiễm virus về đường hô hấp, ông đã gặp phải một số vấn đề về sức khỏe, bao gồm hen suyễn và đột quỵ. Wilson bị cúm vào năm 1919 khi ở Paris, nơi ông dành vài tháng để đàm phán hiệp định hòa bình sau chiến tranh.
Các y tá chuẩn bị cáng cho nạn nhân bị cúm năm 1918.
Tổng thống thứ 28 trong lịch sử nước Mỹ bị ốm và ho nặng đến mức bác sĩ ban đầu nghĩ ông đã bị đầu độc bởi một kế hoạch ám sát. Wilson bắt đầu có ảo giác rằng ông bị bao vây bởi gián điệp. Nhưng chính quyền đã giữ bí mật về bệnh tình của ông. Hồi đó không có ti vi và mạng xã hội nên họ không tốn nhiều công sức để che đậy vụ việc.
"Tổng thống nghĩ rằng người Pháp đang theo dõi mình. Ông cũng tin rằng phải tự lo về những thứ như tất cả đồ đạc trong phòng của ông ấy", Barry nói. "Nếu không phải là Tổng thống, việc ông ấy bị ốm chết ngay giữa hội nghị hòa bình, có lẽ là một điều rất buồn cười", Barry bình luận.
Sau khi hồi phục và trở về Mỹ, Wilson đã có một chuyến công du toàn quốc để vận động sự ủng hộ hiệp ước hòa bình của mình. Ông bị đột quỵ vào cuối năm đó và mất năm 1924.
Dịch cúm năm 1918 giết chết hầu hết những người trẻ
Tỷ lệ tử vong của bệnh cúm này đặc biệt cao ở nhóm tuổi 20 – 40 và trẻ em dưới 5 tuổi với những triệu chứng khủng khiếp như chảy máu mũi, miệng, mắt và tai. "Những người lính, dĩ nhiên, thuộc độ tuổi nguy hiểm. Các trại huấn luyện của quân đội Mỹ rõ ràng có tỷ lệ tử vong cao", Barry nói.
Khi ấy, nỗi sợ hãi bao trùm khắp đất nước, mọi người bắt đầu quay lưng lại với nhau. "Bởi vì họ không thể tin vào những gì họ đang được kể. Nỗi kinh hoàng thực sự bủa vây một số người, đến mức bản thân xã hội bắt đầu trở nên xung đột", Barry cho biết.
Những người biểu tình ủng hộ việc sử dụng khẩu trang. Ảnh được chụp tại Paris vào tháng 3 năm 1919.
Khẩu trang cũng là một vấn đề
Điều này nghe có vẻ quen thuộc. Năm 1918, các cơ quan y tế công cộng đã khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang để ngăn chặn sự lây lan của virus; đồng thời ban hành các hướng dẫn cách ly xã hội và kêu gọi người dân thực hiện vệ sinh đúng cách.
Nhưng hồi đó, việc người Mỹ đeo khẩu trang hay không, không phụ thuộc vào lập trường chính trị. "Nhiều người càu nhàu về việc đeo khẩu trang, hoặc thậm chí từ chối làm như vậy, nhưng họ không làm thế bởi vì lập trường chính trị hay lòng trung thành với đảng phái", Alexander Navarro, trợ lý giám đốc trung tâm Lịch sử Y học tại Đại học Michigan, cho biết.
Bệnh cúm bùng phát vào năm 1920 sau khi giết chết hơn 50 triệu người trên toàn thế giới. Cho đến nay, không có bệnh cúm nào gây chết người nhiều như vậy.
Theo Ione