Ngày 5/2, SCMP đưa tin Human Rights Watch - tổ chức phi chính phủ quốc tế về nhân quyền - trao "huy chương Vàng" cho Trưởng ban tổ chức Olympic Tokyo Yoshiro Mori do tranh cãi kỳ thị phụ nữ.
"Phụ nữ Nhật Bản hiếm được thừa nhận trên nhiều lĩnh vực, nhất là thể thao. Đáng lẽ hội đồng Ủy ban Olympic Nhật Bản phải đề cao tinh thần bình đẳng giới, đối xử công bằng với các thành viên và vận động viên", đại diện Human Rights Watch trả lời truyền thông.
|
Trưởng ban tổ chức Olympic Tokyo Yoshiro Mori bị tổ chức phi chính phủ quốc tế về nhân quyền và dư luận chỉ trích vì mỉa mai phụ nữ "lắm lời". Ảnh:AFP. |
Ông Yoshiro Mori trở thành tâm điểm chỉ trích sau phát ngôn mang tính miệt thị phụ nữ tại cuộc họp bất thường của hội đồng JOC. Cụ thể, người đứng đầu Ủy ban Olympic Tokyo cho rằng phụ nữ "thường lắm lời, ưa cạnh tranh" khi được hỏi về việc gia tăng đa dạng giới trong nội bộ ban tổ chức.
"Bộ Giáo dục rất kiên quyết trong việc lựa chọn nữ bộ trưởng, nhưng một cuộc họp sẽ phải kéo dài nếu có nhiều phụ nữ", ông Mori nhấn mạnh.
Vụ việc lập tức dấy lên làn sóng chỉ trích gay gắt nhắm tới cá nhân trưởng ban tổ chức Olympic Tokyo và hội đồng JOC. Nhằm trấn an dư luận trong nước và quốc tế, ông Yoshiro Mori buộc phải lên tiếng xin lỗi.
"Tôi xin lỗi vì phát ngôn bất cẩn của mình. Tôi không hề có ý định kỳ thị phụ nữ", SCMP dẫn lời ông Mori. Ngoài ra, ông khẳng định không có kế hoạch rút khỏi ban tổ chức Thế vận hội.
Một số ý kiến cho rằng quan điểm của trưởng ban tổ chức Olympic Tokyo đi ngược lại tinh thần thể thao bình đẳng, không phân biệt đối xử dưới mọi hình thức do Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đặt ra.
"Ảnh hưởng từ trào lưu #MeToo hé lộ thực trạng quấy rối, lạm dụng mà nhiều nữ vận động viên xứ hoa anh đào phải trải qua. Nhật Bản cần khẩn trương thay đổi thái độ định kiến nhắm tới nữ giới, bắt đầu từ lĩnh vực thể thao", tổ chức Human Rights Watch nói.
|
Trào lưu #MeToo giúp phụ nữ Nhật Bản có can đảm lên tiếng đấu tranh vì quyền lợi của mình. Ảnh:BBC. |
Thống đốc Yuriko Koike khẳng định vụ việc này đang khiến Thế vận hội "gặp vấn đề lớn". Bà nói rằng chính quyền Tokyo đang nhận được hàng loạt cuộc điện thoại than phiền, chỉ trích thái độ miệt thị phái nữ của ông Yoshiro Mori.
"Bản thân tôi cũng không cách nào bào chữa cho phát ngôn này", bà Koike nói.
Tính đến thời điểm hiện tại, làn sóng phẫn nộ từ công chúng Nhật Bản vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
"Khi nghe lời đó, tôi cảm giác ông Mori nghĩ mình có quyền lực hơn người. Chúng ta cần biến cơn giận thành sức mạnh để thay đổi xã hội, ngăn những sự việc tương tự tái diễn", Natsuki Yasuda - phóng viên ảnh - bình luận về vụ việc.
"Lâu lắm rồi tôi mới thấy phẫn nộ tới vậy. Nếu chúng ta không thể xóa bỏ định kiến, tình huống này vẫn sẽ xảy ra với phái nữ", vận động viên bóng đá nữ Shiho Shimoyamada đăng tải trên Twitter.
Theo SCMP, bản kiến nghị thư yêu cầu kiểm điểm ông Mori và ngăn chặn các trường hợp tương tự tái diễn do người dân xứ hoa anh đào khởi xướng trên trang Change.org hiện nhận được hơn 12.000 chữ ký chỉ sau một ngày.
Theo Zing