Tham dự buổi tiếp còn có lãnh đạo các cơ quan có liên quan của Quốc hội và Bộ Ngoại giao.
Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội chúc mừng các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước mới được bổ nhiệm và cho rằng, nhiệm kỳ công tác này của các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đúng giai đoạn có ý nghĩa then chốt. “Chúng ta đã qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XII, chuẩn bị tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới và chuẩn bị hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng” Chủ tịch Quốc hội nói.
Trong công tác đối ngoại, Việt Nam đang tích cực vận động để được bầu và nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; triển khai công tác chuẩn bị để tổ chức thành công năm Chủ tịch ASEAN 2020.Về công tác đối ngoại Quốc hội, Việt Nam sẽ phải thực hiện tốt vai trò là thành viên của Ban chấp hành Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Phó Chủ tịch IPU trong thời gian tới; vai trò chủ nhà của Hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), tổ chức thành công AIPA 41 vào năm 2020 và đảm nhiệm chức vụ Tổng thư ký AIPA nhiệm kỳ 2019-2021. “Vì thế rất nhiều trọng trách được đặt lên vai các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2017, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai tổ chức, hoạt động của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các tiêu chí để đề cử, bổ nhiệm Đại sứ Việt Nam tại các nước và tổ chức quốc tế.
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn 67 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài. Việc bổ nhiệm Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã được tiến hành thông qua quá trình thẩm tra, đánh giá kỹ lưỡng để chọn được những cán bộ xứng đáng cả về đức và tài, năng lực, kinh nghiệm công tác. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có những đóng góp tích cực, cụ thể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; xác định rõ đối ngoại bên ngoài là để phục vụ người dân trong nước, các địa phương; nỗ lực, nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế xã hội của các địa phương nước ta với các địa phương nước bạn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, bên cạnh việc tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, nhà nước, Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát huy làm cầu nối xây dựng và phát triển giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội các nước trên các kênh song phương và đa phương. Các Trưởng đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần phát huy vai trò tiên phong, xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam chính nghĩa và yêu chuộng hòa bình; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại để có được sự ủng hộ cả về chính trị, pháp lý, báo chí và dư luận từ cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận máu thịt của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Việc xây dựng cộng đồng người Việt vững mạnh ở nước ngoài, đẩy mạnh hòa hợp dân tộc cũng chính là góp phần để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Vì vậy Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan đại diện phải tạo dựng được niềm tin và là chỗ dựa vững chắc cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp với chính quyền sở tại, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt làm ăn, sinh sống.
Trong bối cảnh thế giới phức tạp như hiện nay, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các Trường đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải luôn quán triệt lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết. Ngoại giao cần phối hợp chặt chẽ với quốc phòng và an ninh triển khai nhiều kênh đối thoại, tiếp xúc vừa đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái, vừa tranh thủ tiếng nói ủng hộ của các nước bạn bè.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các vị Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn cảm ơn sự quan tâm và những lời căn dặn của Chủ tịch Quốc hội. Nhân dịp này, Thứ trưởng thường trực cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn việc bổ nhiệm các đồng chí Đại sứ nhiệm kỳ 2018-2021.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn cho biết, để chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ, Đoàn Trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao nhiệm kỳ 2018-2021 đã có bản hoàn thành chương trình làm việc với các Bộ/ngành/địa phương liên quan. Đoàn đã có các cuộc làm việc với 18 Bộ, ngành và cơ quan trung ương.
Dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 và Hội nghị Ngoại vụ địa phương lần thứ 19, các Trưởng cơ quan đại diện đã gặp gỡ, trao đổi và kết nối với đại diện các địa phương, nhằm nắm tình hình, nhu cầu cụ thể của từng địa phương. Bên cạnh đó, đoàn đã có những chuyến công tác làm việc hiệu quả, thực chất tại các địa phương như Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Sau khi làm việc với các cơ quan có liên quan, các vị Trưởng cơ quan đại diện đã xây dựng kế hoạch hành động riêng, để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả nhất, đáp ứng nhu cầu trong nước tốt nhất.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Thứ trưởng thường trực đề nghị các vị Trưởng cơ quan đại diện quán triệt đầy đủ để tiếp tục triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Đặc biệt, toàn thể cán bộ Ngoại giao quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc năm điểm chỉ đạo được Chủ tịch Quốc hội nêu tại Hội nghị Ngoại giao 30, trong đó bao gồm các vị Trưởng cơ quan đại diện nhiệm kỳ 2018-2021, Thứ trưởng thường trực nhấn mạnh.
Theo Thế giới và Việt Nam