leftcenterrightdel
 Ms. Elisa Fernandez Saenz, UN Women Representative in Vietnam. (Source: UN Women)
Xin bà đánh giá những tiến bộ và nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền của phụ nữ thời gian qua?

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là SDG5 về bình đẳng giới. Tôi muốn chỉ ra ba thành tựu chính:

Một là khung pháp lý vững chắc thúc đẩy bình đẳng giới. Chẳng hạn có Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (2021-2030)…

Hai là sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị ngày càng tăng. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2021, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội tăng lên 30%, cao nhất kể từ năm 1976.

Ba là sự tham gia đông đảo của phụ nữ trong lực lượng lao động. Tỷ lệ này cao gần bằng nam giới (72% đối với nữ so với 82% đối với nam).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm. Trước hết, có sự chênh lệch về lương theo giới tính là 13% và lao động nữ thường tập trung vào các công việc được trả lương thấp và yêu cầu kỹ năng thấp trong khu vực phi chính thức.

Bên cạnh đó, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn tương đối cao (63% phụ nữ đã kết hôn từng bị chồng bạo lực dưới một hình thức). Trong khi đó, vẫn tồn tại một số nhóm phụ nữ cần được quan tâm đặc biệt như phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nhiễm HIV, phụ nữ sống ở nông thôn hoặc vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc biến đổi khí hậu và lao động nữ di cư.

Chủ đề Ngày quốc tế Phụ nữ năm nay là “DigitALL: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới”. Bà đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam phối hợp với các tổ chức quốc tế nhằm cải thiện khả năng tiếp cận của phụ nữ và trẻ em gái trong giai đoạn chuyển đổi số?

Ở Việt Nam, đổi mới và công nghệ luôn nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực về chính sách nhằm cải thiện khả năng tiếp cận của người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái với công nghệ số.

Theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng phê duyệt ngày 3/6/2020 (Quyết định số 749/QĐ-TTg), đổi mới sáng tạo và công nghệ đã trở thành ưu tiên của Chính phủ cũng như các Bộ, ngành trong những năm gần đây. Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Bên cạnh đó, đổi mới và công nghệ vẫn thường được coi là lĩnh vực mà nam giới có ưu thế. Những năm gần đây, phụ nữ đang từng bước tạo dựng những lợi thế nhất định trong công nghệ, với cơ hội việc làm rộng mở. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), lao động nữ chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, cao hơn so với thế giới (25%).

Sự đa dạng về giới tính cũng là yếu tố được các hãng công nghệ tại Việt Nam quan tâm nhằm giúp họ tạo ra những sản phẩm tốt, an toàn và phù hợp với đại đa số người dùng. Tuy nhiên, đa phần phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ vẫn chủ yếu đảm nhiệm các vị trí khác như thử nghiệm, marketing, bán hàng, hành chính và nhân sự, hơn là các vai trò kỹ thuật như nhân viên phát triển phần mềm.

Trên thực tế, vẫn còn tồn tại định kiến giới ảnh hưởng đến vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ. Do đó, làm thế nào để phá bỏ rào cản và trao quyền cho phụ nữ một cách toàn diện cũng là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam hiện nay.

leftcenterrightdel
 Đối thoại chính sách 'Bình đẳng giới trong chuyển đổi số ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức' ngày 3/3. (Nguồn: UN Women)

Vậy bà có khuyến nghị gì để nâng cao vị thế của phụ nữ trong công nghệ và đổi mới?

Chủ đề ưu tiên của Ngày quốc tế Phụ nữ năm nay mang đến cơ hội để xem xét lại các tác động về giới trong đổi mới và công nghệ, đồng thời xác định các khuyến nghị để quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam bao trùm và bình đẳng hơn.

Trong bối cảnh đó, UN Women xin đưa ra một số đề xuất thảo luận như sau:

Thứ nhất, điều quan trọng là phải đảm bảo các quan điểm về giới trong các chính sách kỹ thuật số quốc gia và sửa đổi với các chỉ số, mục tiêu cụ thể về giới, có giới hạn thời gian và phân bổ nguồn lực để thực hiện đầy đủ.

Thứ hai, chính phủ và tất cả các bên cần tăng cường và thúc đẩy hơn nữa giáo dục có chất lượng cho phụ nữ và trẻ em gái, nhất là về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Thứ ba, để giảm thiểu các tác động bất lợi, mang tính giới của quá trình số hóa, cần dự báo và đón đầu nhu cầu việc làm, kỹ năng cần có cho phụ nữ trong tương lai.

Thứ tư, để cung cấp thông tin cho các chính sách đáp ứng giới, chính phủ cần tăng cường thu thập dữ liệu để hiểu rõ hơn về các khía cạnh đầy đủ của giới liên quan đến đổi mới và công nghệ; đồng thời giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến. Vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến cũng cần được đưa vào các luật liên quan.

Hiện UN Women đang triển khai những chương trình nào nhằm thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam nói chung và hiện thực hóa chủ đề “Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới” năm nay?

UN Women hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các cam kết xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái, nâng cao quyền của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, giữa trẻ em trai và trẻ em gái, và các giới tính khác.

Chúng tôi cũng cung cấp tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các chính sách và chương trình nhằm thúc đẩy vai trò lãnh đạo và sự tham gia của phụ nữ vào quá trình ra quyết định ở tất cả các cấp, trong chương trình nghị sự về hòa bình và an ninh; phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với bạo lực giới trong gia đình và nơi công cộng; tăng cường quyền kinh tế của phụ nữ thông qua tiếp cận các dịch vụ xã hội, nguồn lực và cơ hội việc làm bền vững; tư vấn lập kế hoạch và phân bổ nguồn lực phù hợp để thúc đẩy bình đẳng giới ở cấp quốc gia.

Bên cạnh đó, UN Women còn thực hiện các chiến dịch và hoạt động truyền thông nhằm xóa bỏ định kiến giới để tất cả phụ nữ, nam giới, trẻ em trai, trẻ em gái và các giới khác đều có thể phát huy hết tiềm năng của mình.

Liên quan đến hoạt động “Đổi mới sáng tạo và công nghệ vì bình đẳng giới”, UN Women phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Đối thoại chính sách nhân Ngày quốc tế Phụ nữ nhằm trao đổi về thực trạng liên quan đến bình đẳng giới trong chuyển đổi số tại Việt Nam, từ đó cùng đưa ra các giải pháp và đề xuất các chính sách nhằm cải thiện/tăng cường vấn đề này.

Liên hợp quốc tại Việt Nam, do UN Women và Văn phòng điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc (UNRCO) phụ trách kỹ thuật, đang xây dựng một bản tóm tắt chính sách với các phân tích tình huống chuyên sâu và đề xuất các giải pháp cụ thể. Đồng thời, UN Women đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam sửa đổi Luật Bình đẳng giới theo hướng hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy bình đẳng giới trong quá trình chuyển đổi số.

Nhân ngày đặc biệt của phụ nữ trên toàn thế giới, bà có điều gì gửi gắm tới những phụ nữ Việt Nam?

Nhân Ngày quốc tế Phụ nữ 2023, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới tất cả phụ nữ Việt Nam và mong muốn đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa về bình đẳng giới như một phần của Chương trình nghị sự 2030 về SDGs để tất cả phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam có thể tận hưởng cuộc sống trong một thế giới trực tuyến và ngoại tuyến công bằng, bình đẳng và tốt đẹp hơn!

Xin cảm ơn bà!

Theo baoquocte