Băng rôn chào mừng kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9 trên phố Điện Biên Phủ. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Những ngày gần đây, nhiều tờ báo, trang mạng và kênh truyền hình tại một số nước Trung Đông và châu Phi, như Algeria, Ai Cập, Nam Phi, Israel, Kuwait, và Iran đã có nhiều bài viết và bình luận nêu bật ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những thành tựu nổi bật về kinh tế-chính trị-xã hội của Việt Nam sau 75 năm xây dựng và phát triển.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, kể từ giữa tháng 8 đến nay, một loạt báo, gồm báo in và báo mạng, cùng trang tin điện tử uy tín của Algeria như El Moudjahid (nhật báo chính thống của chính phủ), La tribune des lecteurs, Crésus, La tribune diplomatique internationale, Algérie actualité, Reporters, Algérie patriotique, Algérie 360... đã đăng tải nhiều bài viết về Cách mạng tháng Tám, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Algeria và những thành tựu của Việt Nam.
Các tác giả của những bài viết này là người có nhiều tình cảm gắn bó, các nhà nghiên cứu am hiểu về lịch sử và văn hóa Việt Nam, như ông Mohamed Berzig - Tổng thư ký Hội hữu nghị Algeria-Việt Nam, ông Kadour Naimi - nhà văn, nhà thơ và đạo diễn nổi tiếng Algeria, ông Mohamed Nemamcha - Chủ tịch Hội nghị sỹ hữu nghị Algeria-Việt Nam, ông Mohamed Djouadj - Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt võ đạo Algeria...
Nội dung các bài viết tập trung nêu bật ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám năm 1945 khi khẳng định đây là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, qua đó góp phần đánh bại tàn dư của chế độ phong kiến và chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa chính quyền về tay nhân dân và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã tạo cảm hứng cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước bị chủ nghĩa đế quốc thực dân áp bức và thống trị, trong đó có Algeria.
Sau 75 năm ra đời, trải qua các cuộc chiến tranh ác liệt đánh đuổi thực dân, đế quốc để giành độc lập và xây dựng, phát triển đất nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về mặt chính trị, kinh tế, xã hội và ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế và là hình mẫu phát triển cho nhiều quốc gia.
Mối quan hệ tốt đẹp, truyền thống, trên nhiều mặt giữa Việt Nam-Algeria vẫn đang được duy trì và được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Kênh truyền hình tiếng Arab hàng đầu của Algeria là Echourouk cũng đã phát sóng bộ phim tài liệu "Việt Nam, viên ngọc quý của châu Á" đúng vào ngày 2/9.
Đây là bộ phim do nhóm phóng viên Algeria thực hiện, được tổ chức chiếu ra mắt đến đông đảo công chúng Algeria nhân dịp kỷ niệm 74 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2019). Bộ phim đã nhận được sự đánh giá cao của dư luận sở tại cũng như trong ngoại giao đoàn.
Kênh Echourouk cũng có kế hoạch phát sóng phóng sự "Việt Nam-Algeria, hai dân tộc, một tấm lòng" vào dịp kỷ niệm 58 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Algeria (28/10/2020).
Còn tại Ai Cập, ngày 31/8, trên chuyên mục "Sự kiện và Bình luận" của Al-Ahram - báo điện tử uy tín hàng đầu của Ai Cập, đã có bài viết với tựa đề "Những thành công lớn của Việt Nam trong ngày lễ Kim cương - lễ kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh" của nhà báo kỳ cựu Kamal Gaballa - người có uy tín trong báo giới Ai Cập và tình cảm quý mến đặc biệt với Việt Nam.
Bài viết đã nêu bật những thành tựu kinh tế-xã hội nổi bật trong chặng đường phát triển của Việt Nam mà tác giả cho rằng rất đáng ngạc nhiên.
Trong bài viết, tác giả cho biết ngày 1/9 vừa qua đánh dấu mốc 57 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ai Cập và Việt Nam và là lúc để người dân hai nước ôn lại những mốc son của mối quan hệ hữu nghị truyền thống.
Năm 2020, bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương vẫn được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức độ tích cực với kết quả lạc quan và đến nay, Ai Cập đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam tại châu Phi.
Trong tương lai, cả Ai Cập và Việt Nam đều có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch và kinh tế biển.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đóng vai trò ngày càng quan trọng trên bản đồ chính trị và ngoại giao toàn cầu thông qua vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng như sự đóng góp tích cực vào lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.
Trong bài viết, nhà báo Gaballa đã nhắc lại nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay."
Tại Nam Phi, ngày 1/9, báo điện tử thediplomaticsociety đăng bài viết về Việt Nam của nhà báo K. Bhana, trong đó tác giả nêu khái quát bối cảnh lịch sử của ngày 2/9/1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam là một quốc gia tự do và độc lập.
Bài viết đã ca ngợi sự lãnh đạo quyết đoán, tài giỏi và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh chống phát xít, thực dân, đế quốc để thống nhất đất nước.
Công viên Lênin rực rỡ trong ngày Quốc khánh 2/9. (Ảnh: TTXVN)
Ngày nay, Việt Nam đã phát triển từ một trong những nước nghèo nhất trên thế giới thành một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất trên thế giới. Chính sách "Đổi mới" có tầm nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam được thực hiện cách đây 35 năm đang cho thấy những thành công.
Nền kinh tế đang đạt được sự ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng khá trong nhiều thập kỷ. Giai đoạn 2010-2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt bình quân 6,31%/năm; trong đó năm 2019, tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 7,02%, nằm trong nhóm các nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á và thế giới.
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 3-4% trong năm nay.
Tại Kuwait, một loạt các báo, trang mạng như báo tiếng Arab Al-Rai, tạp chí tiếng Anh The Times Kuwait và trang tin Q8.Press đăng bài ca ngợi thành tựu kinh tế-xã hội của Việt Nam trong 75 năm xây dựng, phát triển đất nước, ca ngợi vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tác giả các bài viết là những phóng viên có nhiều tình cảm gắn bó, nhà nghiên cứu am hiểu về lịch sử, văn hoá Việt Nam như ông Reaven Dsonha (Tổng biên tập tạp chí The Times Kuwait).
Đáng chú ý, trang tin Trang tin Q8.Press đã đăng bài phản ánh chủ trương của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua biện pháp hoà bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Việt Nam khẳng định Công ước là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong khi chờ đợi một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần nghiêm chỉnh thực hiện DOC, nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không làm phức tạp hóa tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Tại Iran, tác giả Behnaz Hakimane - phóng viên Asisa Financial (Iran) đã có bài viết “Việt Nam kỷ niệm 75 năm độc lập.” Bài viết đã khái quát lịch sử 75 năm kể từ khi Việt Nam giành được độc lập.
Tác giả khẳng định nền độc lập, thống nhất hiện nay của Việt Nam là kết quả trực tiếp của các cuộc chiến chống phátxít, thực dân và đế quốc, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng Cộng sản Việt Nam đã linh hoạt, sáng tạo thực hiện chính sách Đổi mới và chính sách này đã mang lại những thành tựu quan trọng về mọi mặt của đời sống xã hội ở Việt Nam.
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trên Quảng trường Cách mạng tháng Tám kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9. (Ảnh: TTXVN)
Tiếp đó, bài viết tập trung nhấn mạnh các thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, kinh tế-xã hội của Việt Nam trong những năm qua. Về đối ngoại, Việt Nam duy trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, chủ quyền, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa và nỗ lực là thành viên tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Trong việc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, bài viết nêu rõ lập trường và các hành động của Việt Nam nhằm kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đồng thời khéo léo tranh thủ thời cơ giảm căng thẳng, khôi phục lòng tin, thúc đẩy hợp tác hữu nghị và tăng cường đối thoại tìm kiếm các biện pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề Biển Đông.
Về lĩnh vực kinh tế, bài viết đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam trong hơn 30 năm qua, cho rằng sự phục hồi của kinh tế Việt Nam sau chiến tranh gần như là một sự kỳ diệu khi từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, hiện Việt Nam vượt lên là một trong những quốc gia mới nổi năng động nhất ở khu vực Đông Á. Trong giai đoạn 2010-2019, Việt Nam nằm trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới.
Về quan hệ Iran-Việt Nam, bài viết nêu rõ kể từ khi thành lập vào năm 1973, hai nước luôn duy trì quan hệ chính trị hữu nghị tốt đẹp. Các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước là dấu hiệu của sự quan tâm và quyết tâm của cả hai bên nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác.
Hai bên cũng thường xuyên ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn khu vực và quốc tế. Thương mại song phương có tiềm năng to lớn để phát triển với thị trường rộng lớn và các nền kinh tế có tính bổ sung lẫn nhau.
Việc các tờ báo, trang mạng lớn và uy tín tại một số nước Trung Đông-châu Phi đăng tải hàng loạt bài viết, bình luận tích cực về Việt Nam vào thời điểm Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 cũng như vị thế đất nước đang ngày càng gia tăng trên trường quốc tế, cho thấy người dân các nước khu vực luôn trân trọng những tình cảm truyền thống, quý báu và đánh giá cao những bước tiến của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, những bài viết về Việt Nam của các tác giả đã đóng góp tích cực cho việc quảng bá hơn nữa hình ảnh của Việt Nam, nâng cao hiểu biết của công chúng các nước Trung Đông-châu Phi, đặc biệt là tầng lớp thanh niên và thế hệ trẻ, đối với Việt Nam cũng như quan hệ truyền thống giữa Việt Nam với các nước.
Theo Vietnamplus