Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia
Ngày 27/8, tại trụ sở Bộ Ngoại giao đã diễn ra Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Ngành Ngoại giao (28/8/1945 - 28/8/2020) và Đại hội thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, 75 năm qua, ngành Ngoại giao luôn vinh dự, tự hào vì có Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên trực tiếp xây dựng, chỉ đạo và rèn luyện, đưa ngành Ngoại giao đạt được những thành tựu quan trọng, đáng tự hào, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu
Sau khi kết thúc chiến tranh, ngoại giao đã góp phần quan trọng vào khôi phục nền kinh tế bị tàn phá nặng nề. Đồng thời, công tác đối ngoại đã tiên phong trong phá thế bao vây cô lập, mở ra cục diện mới cho phát triển đất nước. Đến nay, từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã thiết lập quan hệ rộng mở với 189 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, xây dựng được mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có tất cả các nước lớn, 17/20 nước G20, toàn bộ các nước ASEAN.
Trong cuộc chiến chống Covid-19, ngành ngoại giao đã triển khai tốt "ngoại giao Covid", "ngoại giao trực tuyến" với kết quả nổi bật là từ tháng 2/2020 đến nay đã có 30 Hội nghị cấp cao trực tuyến, điện đàm Lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế lớn… Bộ Ngoại giao cũng phối hợp tổ chức nhiều chuyến bay đón gần 30.000 công dân Việt Nam từ các quốc gia ảnh hưởng nặng nề với Covid-19 về nước. Công tác đối ngoại cũng đã phát huy "tinh thần đoàn kết quốc tế" trong phòng chống dịch, hỗ trợ trang thiết bị y tế do Việt Nam sản xuất cho nhiều quốc gia.
Đối với công tác thi đua yêu nước, ngành Ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ tinh thần thi đua yêu nước, trở thành một phương cách lãnh đạo, cổ vũ, động viên cán bộ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng tập thể lãnh đạo Bộ Ngoại giao tại lễ Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Ngành Ngoại giao Việt Nam (1945-2020)
Còn theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với quốc phòng và công an trong công cuộc "giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước còn chưa nguy", nhất là đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của nước ta ở Biển Đông.
Vị thế quan trọng của cán bộ nữ ngoại giao
Lịch sử vẻ vang của Ngành ngoại giao trong 75 năm qua đã ghi dấu những đóng góp xuất sắc các thế hệ lãnh đạo và cán bộ ngoại giao nữ. Ngay từ những ngày đầu đất nước mới giành độc lập và trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, với niềm tin, ý chí, trí tuệ và sự nhạy bén, các nhà ngoại giao nữ đã cùng tham gia tuyến đầu trên mặt trận ngoại giao, đấu tranh kiên cường giữ vững độc lập chủ quyền, phá thế bao vây, cấm vận, đóng góp vào khôi phục kinh tế và bảo vệ biên cương Tổ quốc. Các nhà ngoại giao nữ đã để lại những dấu ấn nổi bật như bà Nguyễn Thị Bình, Đỗ Duy Liên, Nguyễn Ngọc Dung...
Cán bộ nữ ngoại giao qua các thời kỳ
25 năm đầu của chặng đường đổi mới, các nhà ngoại giao nữ Việt Nam thông minh, sắc sảo, quyết đoán và duyên dáng tiếp tục cùng góp phần làm nên những dấu ấn quan trọng, mở rộng quan hệ đối ngoại, từng bước đưa đất nước hội nhập vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Nhiều tấm gương điển hình qua các thế hệ như bà Hồ Thể Lan, Tôn Nữ Thị Ninh, Nguyễn Thị Hồi, Phan Thúy Thanh, Nguyễn Phương Nga, Nguyễn Nguyệt Nga... cho thấy rõ sự cương quyết và mềm mại đúng lúc đã giúp họ đạt được nhiều thành tích trong đàm phán đối ngoại, cả song phương cũng như đa phương. Ngoài kiến thức, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và sự chuyên nghiệp nói chung, cán bộ ngoại giao nữ còn có những phẩm chất khác như sự chu đáo, cẩn thận, tỉ mỉ, luôn cương quyết nhưng vẫn mềm mại. Điều đặc biệt ẩn sau vẻ dịu dàng, khiêm nhường là những người phụ nữ có tinh thần thép. Những phẩm chất này không chỉ được trong nước mà cả bạn bè quốc tế cũng đánh giá rất cao.
Công tác nữ hiện là một trong những trọng tâm của xây dựng ngành được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, các lãnh đạo Bộ hết sức quan tâm. Bà Nguyễn Minh Hằng - Vụ trưởng Vụ Kinh tế đa phương, Trưởng Quan chức cao cấp của Việt Nam tại ASEM, Trưởng Ban Nữ công-Công đoàn Bộ Ngoại giao, cho biết, với tỷ lệ 44,23%, cán bộ nữ ngoại giao hiện chiếm một vị trí rất quan trọng trong tất cả các hoạt động của Bộ Ngoại giao. Sự cương quyết và mềm mại đúng lúc đã giúp họ đạt được nhiều thành tích trong đàm phán đối ngoại, cả song phương cũng như đa phương.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Trưởng SOM ASEM của Việt Nam, tham dự Cuộc họp các Quan chức cao cấp (SOM) Nhóm ASEAN của Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) ngày 12/5/2020
Với sự tích cực, chủ động, sáng tạo của Ban Nữ công Bộ, các hoạt động hợp tác quốc tế về bình đẳng giới đã không ngừng được đẩy mạnh trong ba năm qua, đóng góp thực hiện nhiệm vụ chính trị và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác. Ban Nữ công Bộ đã thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa Ban Nữ công hai Bộ Ngoại giao Việt - Lào. Bên cạnh đó là việc thúc đẩy nhiều hoạt động có ý nghĩa của Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội; đề xuất và triển khai nhiều sáng kiến nhằm tăng cường kết nối giữa Ban Nữ công với Nhóm các Đại sứ Nữ tại Hà Nội; đề xuất và thúc đẩy thành công sáng kiến hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Australia về nâng cao quyền năng cho phụ nữ trong lĩnh vực đối ngoại. Hợp tác quốc tế về bình đẳng giới đã góp phần giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về chính sách và những thành tựu phát triển bền vững của Việt Nam, vai trò tiên phong của Bộ Ngoại giao trong thúc đẩy bình đẳng giới.
Đã hình thành mạng lưới không chính thức các nữ Đại sứ và Vụ trưởng qua các thời kỳ, làm hạt nhân để gắn kết các thế hệ cán bộ nữ, qua đó tăng cường chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, truyền nhiệt huyết và tinh thần cống hiến cho thế hệ trẻ hiện nay. Ban Nữ công cũng đã chủ động đề xuất nhiều sáng kiến về chăm lo sức khỏe, tinh thần cho cán bộ nữ và con em cán bộ trong Bộ. Chú trọng thăm hỏi các cán bộ nữ lão thành, thăm hỏi, giúp đỡ các chị em có hoàn cảnh khó khăn...
Ngự Bình - Ảnh: Thu Sương, Tuấn Anh, Nguyễn Hồng