|
|
Châu Á vốn nổi tiếng là khu vực có thời gian làm việc nhiều nhất trên thế giới. (Nguồn: EPA-EFE) |
New World Development, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn của Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) mới đây giới thiệu mô hình tuần làm việc 4 ngày rưỡi, nhằm hỗ trợ người lao động trong công ty “duy trì sự cân bằng hợp lý giữa công việc và cuộc sống”.
Công ty cũng là nhà tuyển dụng đầu tiên của Đặc khu này đưa ra chính sách giảm giờ làm việc mà không giảm lương của người lao động.
Nối gót New World Development, Tập đoàn công nghệ Kakao của Hàn Quốc với hơn 10.000 nhân viên cũng đang dự thảo chương trình thí điểm về thời gian làm việc linh hoạt và ngắn hơn. Trong khi đó tại Nhật Bản, Tập đoàn Hitachi vừa giới thiệu mô hình làm việc cho phép khoảng 15.000 người lao động có thể tự sắp xếp lịch trình tuần làm việc 4 ngày.
Trên đây là một trong vài sáng kiến tại nơi làm việc đang được triển khai mạnh mẽ trên khắp châu Á, khi ngày càng có nhiều công ty trên toàn thế giới tìm cách cải thiện sức khỏe của nhân viên trong môi trường làm việc hiện đại.
Ý tưởng hay nhưng khó khả thi
Dù vậy, các chuyên gia xã hội học cho rằng, tại châu Á, một trong những khu vực nổi tiếng với thời gian làm việc nhiều nhất trên thế giới, những ý tưởng về quy trình làm việc mới có thể sẽ không thu được kết quả như mong muốn nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ và các công ty sử dụng lao động.
Bà Anis Hidayah, người đứng đầu Migrant Care, một tổ chức phi chính phủ của Indonesia nhằm thúc đẩy quyền của người lao động nhập cư, cho biết lợi ích của một tuần làm việc bốn ngày phụ thuộc rất nhiều vào việc thực thi và liệu người lao động có đạt được năng suất tương tự trong thời gian ngắn như vậy hay không?
“Điều này sẽ ảnh hưởng đến người lao động như thế nào và liệu nó có làm tăng hay giảm năng suất hay không là rất quan trọng”, bà Hidayah nói và cho biết thêm, mặc dù đây là ý tưởng tốt trong thực tế, nhưng có thể khó triển khai trên tất cả các hình thức việc làm.
“Trong nhiều lĩnh vực, người lao động thường phải làm việc hơn 8 giờ mỗi ngày, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á ở các nước như Malaysia và Singapore. Có lẽ ở một số lĩnh vực như công nhân hay kỹ thuật viên trong nhà máy, một tuần làm việc bốn ngày có thể khả thi, nhưng tôi không chắc về các công việc khác, chẳng hạn như người giúp việc gia đình”, bà Hidayah dẫn chứng.
Các nhà hoạt động vì quyền người lao động cho rằng, sẽ rất khó để thực thi những sáng kiến mới khi thời gian làm việc thường được quy định trong luật.
Ở Hàn Quốc, việc người sử dụng lao động yêu cầu nhân viên làm việc 52 giờ một tuần là hợp pháp dù con số này đã giảm so với 68 giờ vào năm 2018. Ở Malaysia, một tuần làm việc nên bao gồm 48 giờ, nhưng con số thực tế lại rất khác.
“Chắc chắn một tuần làm việc bốn ngày sẽ giúp người lao động cân bằng giữa công việc và cuộc sống”, bà Sivaranjani Manickam, người đứng đầu Cục Người lao động thuộc Đảng Xã hội Malaysia, cho hay.
Theo bà Sivaranjani Manickam, mặc dù luật pháp ở Malaysia hiện quy định rằng giờ làm việc là 8 giờ mỗi ngày và 48 giờ mỗi tuần nhưng trên thực tế nhiều người lao động ở quốc gia Hồi giáo này vẫn đang phải làm việc lên tới 12 giờ mỗi ngày, tương đương với 84 giờ mỗi tuần. “Vậy một tuần làm việc bốn ngày có thể thực sự khả thi hay không?”, bà Manickam đặt vấn đề.
Bà Manickam cho biết thêm, nhiều người than phiền rằng họ có nguy cơ mất việc làm nếu từ chối làm thêm giờ. “Xu hướng là bạn chỉ được tuyển dụng nếu bạn sẵn sàng làm việc 12 giờ mỗi ngày. Đây là tình hình thực tế ở Malaysia”.
Một cuộc khảo sát với 6.000 người lao động trên khắp Đông Nam Á của Công ty Milieu Insight vào tháng Hai chỉ ra rằng, phần lớn đều ủng hộ một tuần làm việc ngắn hơn.
Khoảng 2/3 (67%) người được hỏi - đến từ Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Philippines và Indonesia - cho biết một tuần làm việc ngắn hơn sẽ mang lại cho người lao động sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, trong khi 64% cho rằng họ sẽ có nhiều thời gian hơn để dành cho những người thân yêu.
Gần một nửa (48%) cho biết, sẽ có nhiều thời gian hơn để sáng tạo và nảy sinh ý tưởng, trong khi 45% cho rằng một tuần làm việc rút ngắn sẽ làm tăng năng suất của người lao động.
Tuy nhiên, một số chuyên gia châu Á từng có kinh nghiệm làm việc tại một số quốc gia phát triển và các trung tâm tài chính nổi tiếng với cường độ làm việc cao như Hong Kong hay Singapore cho biết họ nghi ngờ về tính khả thi của ý tưởng này nếu không có sự thay đổi lớn về thái độ đối với quyền lao động.
Nhiều người lao động ở Malaysia vẫn đang phải làm việc lên tới 12 giờ mỗi ngày, tương đương với 84 giờ mỗi tuần. (Nguồn: Reuters)
Cô Adrianna Tan, Giám đốc quản lý sản phẩm tại San Francisco (Mỹ) đánh giá, người lao động ở Mỹ có ý thức về quyền của họ hơn những người lao động ở châu Á.
“Mỹ không phải là thiên đường của người lao động và chắc chắn không nơi nào quan tâm đến quyền của người lao động như ở Bắc Âu, nhưng làm việc ở Mỹ vẫn tốt hơn những gì tôi đã trải nghiệm khi làm việc ở Singapore”, cô thừa nhận.
Theo quan sát của cô Tan, người lao động ở Mỹ thường có hiểu biết tốt hơn về các chính sách lao động, coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống hơn so với người lao động ở Singapore. Tổ chức công đoàn cũng thường có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong văn hóa làm việc của người Mỹ.
Xu hướng làm việc linh hoạt
Dù vậy, điều này đã thay đổi đáng kể khi đại dịch Covid-19 bùng phát dẫn đến xu hướng làm việc từ xa gia tăng, khiến nhiều công ty đưa ra các phương thức làm việc linh hoạt
Năm 2021, Tập đoàn PropertyGuru ở Đông Nam Á, với hơn 1.600 nhân viên từ 30 quốc tịch đã triển khai chương trình “Tương lai của công việc” tại Malaysia và Singapore, cho phép nhân viên làm việc trong môi trường kết hợp và chọn giờ làm việc.
Tập đoàn dự kiến sẽ mở rộng chương trình này tại các văn phòng trên khắp Đông Nam Á khi các quốc gia dần nới lỏng các hạn chế để phòng chống virus SARS-CoV-2.
Chương trình cung cấp các tùy chọn linh hoạt như cho phép người lao động lựa chọn giữa tuần làm việc 4 ngày hoặc 9 ngày trong 2 tuần. Theo đó, người lao động có thể làm việc toàn thời gian trong ít ngày hơn mà không có sự khác biệt về tiền lương, phù hợp với vị trí công việc và qua tham khảo ý kiến của người quản lý.
Ngoài ra, vẫn có chương trình làm việc bán thời gian cho phép nhân viên làm việc ít ngày và ít giờ hơn trong tuần để được trả lương theo tỷ lệ.
Lauren Huntington, chuyên gia chiến lược về giải pháp trải nghiệm cho nhân viên tại công ty phần mềm Qualtrics của Mỹ cho rằng, các nhà tuyển dụng cần nhận ra rằng “những gì nhân viên thực sự muốn và đã dần quen là sự linh hoạt trong việc điều chỉnh lịch làm việc để phù hợp với nhu cầu cuộc sống của họ".
Cuộc thăm dò ý kiến trực tuyến với hơn 1.000 người lao động cho thấy 64% nhân viên toàn thời gian ở Singapore thích có sự linh hoạt tại nơi làm việc, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 36% thích có ít hơn một ngày làm việc.
Theo baoquocte